Đồng Tháp: Liên tiếp thu giữ hàng tấn đường cát nhập lậu

Cụ thể, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên địa bàn được phân công, khi đến khu vực cánh đồng thuộc ấp 1 (xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), Tổ tuần tra kiểm soát lưu động – Đồn Biên phòng Cầu Muống phối hợp với Đội đặc nhiệm thuộc Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh và Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện 02 xuồng máy, 01 xuồng không gắn máy đang di chuyển từ biên giới vào khu vực nội địa, có chở theo hàng hóa nghi vấn nhập lậu nên tiến hành ra hiệu dừng phương tiện để kiểm tra.

Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng, lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã bỏ lại xuồng để chạy thoát thân. Tiến hành kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên 3 xuồng có vận chuyển tổng cộng 42 bao đường cát Thái Lan nhập lậu với trọng lượng khoảng 2,1 tấn.

Phương tiện vận chuyển đường cát nhập lậu bị thu giữ 

Đồn Biên phòng Cầu Muống sau đó đã đưa phương tiện cùng toàn bộ số tang vật về Đồn để hoàn chỉnh hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó không lâu, Đội Quản lý thị trường số 3 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp nhận được tin báo từ người dân, tại khu vực vỉa hè đường Võ Thị Sáu, Khóm 5, phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có tập kết hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có người trông coi.

Đội Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra số hàng hóa tại địa điểm nêu trên. Qua kiểm tra phát hiện 20 bao đường cát (50kg/bao tương đương 1.000kg) nhãn hiệu ERAWAN SUGAR và PRACHUAP SUGAR INDUSTRY do Thái Lan sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra không có chủ sở hữu nhận lô hàng, Đội Quản lý thị trường số 3 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số tang vật trên, đồng thời tiến hành xác minh, thông báo tìm chủ sở hữu để xử lý theo quy định.

Có thể nói, Đồng Tháp là một trong những tỉnh thành xảy ra nhiều vụ vận chuyển đường cát nhập lậu, sau khi nhập hàng, gian thương sẽ hô biến, đổi nhãn mác sản phẩm thành hàng nội địa.

Bên cạnh hình thức này, đường nhập lậu được đưa vào tiêu thụ thông qua việc quay vòng hồ sơ đấu giá đường nhập lậu. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in nhãn hiệu đường trong nước ra nước ngoài (thường là Campuchia) và đóng bao đường với bao bì này. Như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam trước khi được nhập về Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn tình trạng đường cát có dấu hiệu nhập lậu vào thị trường ngày càng nhiều cũng như kiểm soát lượng đường cát nhập lậu, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Tem điện tử sử dụng công nghệ RFID có chứa đựng các thông tin về chủng loại đường; tên/địa chỉ cơ sở sản xuất; nguồn gốc xuất xứ; số tờ khai hải quan; thời điểm nhập khẩu; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Đường nhập khẩu đã gắn tem điện tử sử dụng công nghệ RFID sau khi thông quan thay đổi quy cách đóng gói hoặc chia thành các gói nhỏ để bán lẻ tại thị trường trong nước đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ tính năng truy xuất nguồn gốc theo mã QR Code. Việc dán tem đường nhập khẩu do doanh nghiệp tự thực hiện ngay tại khu vực cửa khẩu, dưới sự giám sát của cơ quan hải quan và trước khi thông quan hàng hóa.

Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích