Đồng Tháp: Khai thác làng nghề truyền thống phát triển du lịch
(Xây dựng) – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp vừa mới tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết hiện nay toàn tỉnh có 21 làng nghề, 18 làng nghề truyền thống, có thể khai thác phát triển du lịch.
Nem Lai Vung đặc sản nổi tiếng tỉnh Đồng Tháp. |
Nói đến tỉnh Đồng Tháp không ít du khách nghĩ đến xứ sở nem Lai Vung lâu đời nổi tiếng thơm ngon. “Lai Vung là xứ lạ lùng/Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say”. Hiện nay toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất Nem tại các xã Tân Thành, Long Hậu và thị trấn Lai Vung. Nghề làm Nem Lai Vung tồn tại và phát triển hơn 60 năm qua, dù đối mặt với không ít những khó khăn, nhưng đến nay vẫn đứng vững và từng bước phát triển trên con đường hội nhập, cung cấp nhiều sản phẩm nem, bì, chả lụa… cho thị trường cả nước. Nem Lai Vung, huyện Lai Vung đã đăng ký và được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Đặc sản Đồng Tháp – Nem Lai Vung”.
Chăm sóc hoa ngày Tết Làng hoa Sa Đéc |
Hay làng hoa Sa Đéc, có diện tích trồng hoa hơn 600ha, trong đó vùng lõi khoảng 210ha, trên 2.300 hộ dân trồng hoa với hơn 2.000 loài hoa kiểng khác nhau, là một trong những vựa kiểng lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Làng hoa Sa Đéc hoa nở bốn mùa, hàng năm thu hút hàng trăm ngàn du khách đến tham quan trải nghiệm. Đây là điểm đến “check-in” rất kỳ thú cho du khách. Nhất là về làng hoa Sa Đéc trong những ngày cuối năm, lúc người trồng hoa tất bật chăm sóc vun trồng và giao nhận vụ hoa Tết, không khí đón Tết sớm rộn ràng. Các thương lái hoa, đua nhau đưa xe đến nhận hoa vận chuyển đến các vùng miền phục vụ Tết Nguyên đán. Du khách khắp nơi cũng đến Làng hoa Sa Đéc để tham quan thưởng ngoạn, “check-in” và thích thú “chụp ảnh tự sướng-selfie” bên những vườn hoa rực rỡ khoe sắc tỏa hương.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Quang Dương – Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Sa Đéc cho rằng: “Từ nhiều năm nay, làng nghề truyền thống đã mang lại giá trị to lớn đóng góp đáng kể cho thành phố cả về vật chất lẫn tinh thần. Làng nghề phát triển góp phần gia tăng thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Các sản phẩm về bonsai, hoa kiểng, bột và sau bột… đang là những mặt hàng xuất khẩu có nhiều triển vọng, chủ yếu là do người tiêu dùng cảm thụ được những nét văn hóa làng nghề.
Trong những năm gần đây, thành phố Sa Đéc luôn chú trọng phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Đây được xem là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề của thành phố Sa Đéc. Đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với các điểm du lịch nhằm giúp các làng nghề khôi phục nghề cổ truyền, phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa nhằm quảng bá du lịch sản phẩm làng nghề”.
Hội thảo chuyên đề “Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương”. |
Từ lâu nay, Đồng Tháp còn nổi tiếng làng nghề dệt chiếu Định Yên- Định An, huyện Lấp Vò. Trải qua dòng thời gian hơn 100 năm, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến nay, nghề dệt chiếu đã trở thành một ngành nghề truyền thống của làng nghề Định Yên – Định An. Trước đây, làng chiếu Định Yên – Định Am được biết đến nhiều nhất là Chợ Chiếu (chợ Ma), do chợ nhóm vào ban đêm, kéo dài khoảng 02 giờ đồng hồ rồi tan chợ. Thời điểm bắt đầu nhóm chợ không ổn định; giờ họp chợ đêm sau được quy định ở đêm trước và thay đổi có sự thông tin thông nhất giữa người mua, người bán, ngoài ra còn nét đặc trưng đó là người mua thì ngồi tại chỗ còn người bán thì đi lại rao bán. Làng nghề chiếu Định Yên – Định An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tìm giải pháp phát triển làng nghề chiếu, vừa phát triển hộ dệt chiếu máy để có thu nhập cao, vừa duy trì và phát huy giá trị dệt chiếu thủ công truyền thống để gắn kết với phát triển du lịch trãi nghiệm, du lịch cộng đồng…
Theo bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp: “Đồng Tháp có tiềm năng lớn để phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp, cộng đồng. Sản phẩm của làng nghề được du khách ưa chuộng. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, nhất là phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao: Sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề. Đây được xem là nguồn tài nguyên độc đáo có sức thu hút mạnh mẽ với du khách và là nhân tố có khả năng làm nổi bật hơn bức tranh du lịch của tỉnh”.
Theo PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, để phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương cần phải: “Liên kết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, tạo ra các sản phẩm và tour du lịch kết hợp văn hóa – làng nghề – sinh thái – di tích lịch sử để khai thác tốt các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách. Cần chú trọng đến việc liên kết giữa các làng nghề cũng như các điểm tham quan khác, hấp dẫn trong địa phương nhằm kéo dài ngày lưu trú của khách du lịch và nâng cao doanh thu từ hoạt động du lịch tại các làng nghề. Doanh nghiệp địa phương cần đóng vai trò chủ động và chủ chốt trong việc xây dựng các thương hiệu, sản phẩm và chuỗi cung ứng một cách hiệu quả đối với các sản phẩm tại làng nghề cũng như sản phẩm và dịch vụ du lịch làng nghề”.
Nguồn: Báo xây dựng