Đồng Tháp: Đầu tư hơn 168 tỷ đồng đảm bảo nước sạch vùng nông thôn

(Xây dựng) – Ngày 23/10, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 993/QĐ-UBND-HC phê duyệt dự án Đảm bảo nước sạch vùng nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp. Theo Quyết định này, tổng mức đầu tư 168.004.197.000 đồng.

Đồng Tháp: Đầu tư hơn 168 tỷ đồng đảm bảo nước sạch vùng nông thôn
Một góc vùng sông nước nông thôn tỉnh Đồng Tháp.

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp tại Tờ trình số 2941/TTr-SXD ngày 18/10/2024 về việc phê duyệt đầu tư xây dựng dự án Đảm bảo nước sạch vùng nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp, UBND quyết định phê duyệt dự án Đảm bảo nước sạch vùng nông thôn trong điều biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp là chủ đầu tư.

Mục tiêu đầu tư là giải quyết tình trạng nhiễm asen, nâng chất lượng nước sạch cấp cho các hộ dân đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018

của Bộ trưởng Bộ Y tế, chuyển đổi trạm cấp nước sử dụng nước ngầm thành nước mặt tại các khu vực nằm trong dự án. Nâng cấp, thay thế công nghệ lọc nước kém hiệu quả, chi phí sản xuất cao bằng công nghệ hiện đại và sử dụng công nghệ tiên tiến khi đầu tư trạm cấp nước mới; đảm bảo lưu lượng cấp và áp suất trên toàn bộ mạng lưới đường ống cấp cho các hộ dân; giảm thất thoát trong giới hạn cho phép theo quy định; đồng thời kết nối vùng hòa mạng bổ trợ lưu lượng các trạm. Tổng số hộ được phục vụ cấp nước trong vùng dự án là 16.188 hộ, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao và tỷ lệ sử dụng nước sạch phù hợp.

Theo đó, đầu tư sửa chữa, xây mới và nâng công suất của 4 trạm cấp nước trên địa bàn các huyện: Tân Hồng, Thanh Bình và Cao Lãnh, với tổng công suất nâng cấp bổ sung mới 12.000m3/ngày đêm, trong đó, 1 trạm cấp nước công suất 2.000m3/ngày đêm; 2 trạm cấp nước công suất 2.500m3/ngày đêm; 1 trạm cấp nước công suất 5.000 m3/ngày đêm). Tổng chiều dài tuyến ống của mạng lưới cấp nước khoảng 150.909km (đường kính ống khoảng D60mm đến D315mm).

Liên danh Công ty Cổ phần Thiết kế xây dựng Thái Thịnh và Công ty Cổ phần Tư vấn kỹ thuật Quốc tế là tổ chức tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Địa điểm xây dựng tại các huyện: Tân Hồng, Thanh Bình và Cao Lãnh,

tỉnh Đồng Tháp. Tổng mức đầu tư 168.004.197.000 đồng, trong đó, chi phí xây dựng114.482.024.017 đồng; Chi phí thiết bị 24.395.352.000 đồng; Chi phí quản lý dự án 1.599.867.372 đồng; Chi phí tư vấn đầu tư 9.776.340.448 đồng; Chi phí khác 1.765.175.771 đồng; Chi phí dự phòng 15.985.419.528 đồng. Nguồn vốn đầu tư là vốn ngân sách nhà nước (Vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 150 tỷ đồng; Vốn vay và huy động hợp pháp khác 18,064 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án: Năm 2022 – 2025.

UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp có trách nhiệm tổ chức lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục và thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo đúng quy định pháp luật; có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng dự án đảm bảo đúng theo tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt. Đối với vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, vốn vay và huy động hợp pháp khác, cần khẩn trương và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện đảm bảo khả năng huy động các nguồn vốn theo tiến độ của dự án được duyệt và quy định của pháp luật.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương rà soát nguồn vốn ngân sách Nhà nước, khả năng huy động và cân đối vốn bố trí cho dự án đảm bảo theo kế hoạch được duyệt. Giao các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định, kịp thời hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích