Đồng Tháp: Các tổ chức tôn giáo làm tốt công tác an sinh xã hội và bảo vệ môi trường

Đồng Tháp: Các tổ chức tôn giáo làm tốt công tác an sinh xã hội và bảo vệ môi trường

Thông qua công tác tuyên truyền, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có nhiều sáng kiến, ý tưởng hay trong phối hợp với MTTQ cùng cấp triển khai thành lập các Câu lạc bộ về bảo vệ môi trường

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 15 tổ chức, hệ phái tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân với tổng số khoảng 445.800 tín đồ, 1.200 chức sắc, 1.929 chức việc (chiếm khoảng 27,8 % dân số) và 404 cơ sở thờ tự đã được công nhận, 9 tổ chức cấp tỉnh. Các tín đồ, chức sắc tôn giáo luôn sống và hoạt động theo phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo và dân tộc, nhất là tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ thiện xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh vận động, tập hợp, xây dựng và phát triển lực lượng cốt cán trong chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

tm-img-alt
Các thành viên trong Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Định Yên, huyện Lấp Vò chuẩn bị phương tiện đưa người bệnh đến cơ sở y tế theo yêu cầu

Điển hình như Ban Trị sự và các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo xã Định Yên, huyện Lấp Vò thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến công tác an sinh xã hội như: xây dựng cầu, đường nông thôn; cất nhà tình thương; mua xe chuyển bệnh; hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19… cho vùng nông thôn khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, người bệnh trong và ngoài địa phương với tổng kinh phí lên đến nhiều tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Tú – Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Định Yên (huyện Lấp Vò) cho biết: “Phát huy truyền thống đường hướng hành đạo “Vì đạo pháp, vì dân tộc” gắn với phương châm “Tốt đời – đẹp đạo”, nhiều tín đồ luôn có tâm huyết với cuộc sống của người dân nghèo nói riêng và vì cuộc sống cộng đồng nói chung thông qua việc thành lập Đội xây dựng cầu đường, Tổ cất nhà tình thương… hoạt động mang lại nhiều kết quả thiết thực”.

Cùng với đó, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo về “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành có liên quan triển khai tuyên truyền trong hệ thống MTTQ, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ những văn bản của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhất là những tác động đến môi trường sống, sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng dân cư liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét: giông bão, lốc xoáy, hạn hán, lũ lụt, sạt lở bờ sông… gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Thông qua công tác tuyên truyền, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh có nhiều sáng kiến, ý tưởng hay trong phối hợp với MTTQ cùng cấp triển khai thành lập các Câu lạc bộ về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thiết thực, hiệu quả tại cộng đồng dân cư. Đến nay, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh thành lập được 151 Câu lạc bộ với gần 8.200 thành viên là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh đường phố, trồng cây xanh… rộng khắp trên địa bàn. Việc thành lập các Câu lạc bộ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường nhằm tăng cường mối quan hệ, giao lưu giữa các chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương.

Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tăng cường phối hợp thống nhất hành động và phát huy tốt hơn nữa vai trò các tổ chức thành viên, các vị ủy viên, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong đồng bào tôn giáo nhằm xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong công tác tôn giáo của Mặt trận, phát huy vai trò người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, trong các tổ chức tôn giáo để triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia xã hội hóa hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, cứu trợ thiên tai… bằng mô hình cụ thể, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội Đất Sen hồng.

Ngọc Minh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích