Dòng sản phẩm “Nuvi” của Nutifood có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hoá và quảng cáo

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng thuộc EuroCham đã có văn bản gửi Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội sữa Việt Nam về việc vi phạm pháp luật của dòng sản phẩm “Nuvi” thuộc Nutifood về ghi nhãn hàng hoá và quảng cáo.

Theo EuroCham, ngày 23/11/2023 tổ chức này đã có Công văn số 2311/2023/NUTIFOOD/EUC-NFG thông báo đến Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (địa chỉ 281-283 Hoàng Diệu, phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) về một số vấn đề của dòng sản phẩm Thức uống dinh dưỡng Sữa tươi trái cây tươi Nuvi (Công bố sản phẩm số 10/NTF/2023 với Chi cục An toàn Thực phẩm tỉnh Bình Dương) và một số sản phẩm tương tự khác mà EuroCham cho rằng đang vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và quảng cáo. EuroCham đề nghị Nutifood tự rà soát và chấm dứt các hành vi vi phạm này cho các sản phẩm đó.

Ảnh chụp Màn hình 2024-02-03 lúc 15.00.15
EuroCham cung cấp dấu hiệu vi phạm của sản phẩm Nuvi.

EuroCham cho rằng, thức uống dinh dưỡng Sữa tươi trái cây tươi” chỉ có thành phần “nước ép cam hoàn nguyên”, tức là làm từ nước pha với bột cam hoặc nước cam cô đặc, không thấy có chứa thành phần “cam tươi” hay bất kỳ một loại trái cây tươi nào khác, như vậy là vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng sản phẩm này làm từ trái cây tươi, nhưng thực chất làm từ nước ép hoàn nguyên.

Thêm vào đó, thực tế sản phẩm “Nuvi Sữa tươi Trái cây tươi” theo bảng thành phần trên nhẫn, có thành phần chủ yếu là nước (thành phần lớn nhất), bổ sung một tỷ lệ nhỏ sữa tươi (144 g/L hay khoảng 14%), bổ sung đường, nước cam ép hoàn nguyên, và một vài chất khác nhưng không có bổ sung “Trái cây tươi”. Do đó  EuroCham cho rằng việc đặt tên và quảng cáo sản phẩm là “Nuvi Sữa tươi Trái cây tươi” là không phù hợp, vì dẫn đến người tiêu dùng hiểu nhầm rằng sản phẩm có thành phần chính là “Sữa tươi” và “Trái cây tươi”, vi phạm Điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định “Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa”, vi phạm Quy chuẩn quốc gia QCVN 5-1:2010/BYT về các sản phẩm có tên gọi “Sữa tươi”, cụ thể là “1.3.2. Sữa tươi thanh trùng” và “1.3.4. Sữa tươi tiệt trùng” quy định “Sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu”.

Ảnh chụp Màn hình 2024-02-03 lúc 15.02.07
 Đường dẫn video quảng cáo dòng sản phẩm Nuvi.

Cũng theo phản hồi của EuroCham dòng sản phẩm Nuvi có quảng cáo không thấy tên của công ty Nutifood, cũng không thấy tên đầy đủ của sản phẩm là “Nuvi Thức uống dinh dưỡng Sữa tươi trái cây tươi” mà chỉ có tên tắt “Nuvi Sữa tươi trái cây tươi”, vi phạm Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Quảng cáo có nội dung “Thử ngay Nuvi Sữa tươi trái cây tươi – Tươi ngon hơn, dinh dưỡng vượt trội” được làm từ “100% sữa tươi và trái cây” nhưng không nêu “hơn, vượt trội” là so với sản phẩm gì. Trong khi thực tế sản phẩm chỉ có một tỷ lệ nhỏ sữa tươi (144 g/L hay khoảng 14%) và không có “Trái cây tươi” thì rõ ràng không thể “tươi hơn”, mà là “kém tươi hơn” các loại sữa tươi và nước quả tươi thông thường có thành phần chủ yếu là sữa tươi và nước quả tươi. Nội dung này cũng không có trong nội dung bản tự công bố, không có cơ sở khoa học.

Ngày 6/12/2023 Nutifood đã có Văn bản phản hồi số 150/2023/CV-NTF phản hồi EuroCham cho rằng, sản phẩm này “được ghi nhãn theo đúng quy định pháp luật” vì “có thành phần sữa tươi và nước ép cam hoàn nguyên từ cam tươi”. Chỉ có một nội dung quảng cáo có sự thiếu sót và… đã ngay lập tức tiến hành sửa đổi toàn bộ các quảng cáo để tránh sự nhầm lẫn nhưng không nêu thiếu sót gì được khắc phục trong số hai vấn đề EuroCham nêu lên. 

nuvi-610x610-1
 Dòng sản phẩm Nuvi Sữa tươi trái cây của Nutifood.

Trước phản hồi của Nutifood, EuroCham cho rằng, giải thích của Nutifood về tên và nhãn sản phẩm là không phù hợp vì trong các văn bản pháp luật cũng như trong thực tiễn, đều có sự phân biệt rõ ràng giữa “thực phẩm tươi” và “thực phẩm hoàn nguyên” tức là các thực phẩm đã được làm khô rồi bù nước.

Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7946: 2008 phân biệt nước quả chiết xuất trực tiếp (mục 2.1.1.1) với nước quả hoàn nguyên từ nước quả cô đặc (mục 2.1.1.2). Do vậy, việc gọi tên “nước ép cam hoàn nguyên” là “trái cây tươi” là vi phạm Điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định “Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng”, và “Tên hàng hóa không được làm hiểu sai lệch về bản chất, công dụng và thành phần của hàng hóa”.

Nutifood không giải thích tại sao sản phẩm chỉ có một tỷ lệ nhỏ sữa tươi (144 g/L hay khoảng 14%) nhưng lại đặt tên và quảng cáo sản phẩm là “Nuvi Sữa tươi Trái cây tươi”.  

Về quảng cáo, EuroCham đã xem lại các website liên quan và thấy rằng cho đến ngày 20/12/2023, Công ty Nutifood đã tiến hành sửa đổi toàn bộ các quảng cáo, nhưng thực tế chỉ có 1 video quảng cáo trên Youtube đã được xóa, các quảng cáo khác vẫn giữ nguyên nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Vì công ty Nutifood không thừa nhận đây là các thiếu sót để tự khắc phục nên EuroCham thông báo tới các cơ quan quản lý và đề nghị sớm có biện pháp phù hợp để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích