Đông Nam Á có vai trò then chốt trong sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững
Đông Nam Á có vai trò then chốt trong sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững
Đông Nam Á có tiềm năng cung cấp 12% nhu cầu nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) toàn cầu vào năm 2050, với trấu và rơm là hai nguyên liệu chính cho sản xuất SAF
Theo nghiên cứu mới nhất do Boeing công bố, trữ lượng nguyên liệu thô sinh học tại Đông Nam Á có thể cung cấp khoảng 12% nhu cầu nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trên toàn cầu vào năm 2050. Đây là một phần quan trọng trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 của ngành hàng không.
Hai nguồn nguyên liệu chính được xác định là trấu và rơm, nhờ vào nguồn cung dồi dào và khả năng tái tạo bền vững của chúng trong khu vực. Nghiên cứu cũng dự báo rằng Đông Nam Á có thể sản xuất khoảng 45,7 triệu tấn SAF mỗi năm đến năm 2050.
Báo cáo cho thấy trấu và rơm là những vật liệu hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á để sản xuất nhiên liệu sinh học hàng không bởi tính sẵn có cao, chiếm 37% thị phần vật liệu thô có sẵn trên khắp các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chúng có rủi ro thấp về môi trường và xã hội, chẳng hạn như nạn phá rừng và gây căng thẳng cho nguồn nước. Bên cạnh đó, cũng cũng ít có khả năng vi phạm quyền con người và quyền lao động.
Ngoài ra, các nguyên liệu thô từ chất thải nông nghiệp và chất thải tiêu dùng, bao gồm củ sắn, cây mía và rác thải đô thị, chiếm tới 75% nguyên liệu sản xuất SAF. Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines đóng góp tới 90% nguồn nguyên liệu thô trong khu vực.
Bà Sharmine Tan, Giám đốc Bền vững của Boeing khu vực Đông Nam Á, cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh tiềm năng to lớn của khu vực trong việc đáp ứng nhu cầu SAF toàn cầu. Việc hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực sẽ giúp mở rộng quy mô sản xuất SAF và thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành hàng không, đồng thời mang lại lợi ích môi trường và kinh tế”.
Nhiên liệu SAF không pha trộn, còn gọi là nhiên liệu SAF “sạch”, được sản xuất hoàn toàn không chứa nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm đến 84% khí thải carbon trong suốt vòng đời của nhiên liệu. Hiện tại, SAF chỉ chiếm 0,2% tổng lượng nhiên liệu sử dụng trong hàng không thương mại toàn cầu.
Bà Ariana Baldo, Giám đốc Chương trình RSB, chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi không chỉ tập trung vào tiềm năng cung cấp nguyên liệu thô mà còn xem xét các tác động về môi trường, an ninh lương thực và nạn phá rừng. Những yếu tố này sẽ đóng góp vào việc phát triển nguồn cung SAF bền vững trong tương lai”.
Boeing đang phối hợp với các quốc gia trong khu vực để mở rộng sản xuất SAF, đồng thời nghiên cứu và phát triển các nguồn nguyên liệu thô bền vững. Điều này góp phần vào Chương trình Hỗ trợ và Xây dựng năng lực về nhiên liệu SAF của ICAO, với sự tham gia của nhiều quốc gia như Úc, New Zealand và Nhật Bản.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đặt mục tiêu cho ngành hàng không phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giảm 5% lượng khí thải carbon vào năm 2030 thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn.
Đến quý đầu tiên của năm 2025, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cũng sẽ thiết lập đăng ký nhiên liệu hàng không bền vững để tạo điều kiện cho các hãng hàng không báo cáo chính xác mức giảm phát thải.
Để thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hành không xanh trong tương lai, báo cáo khuyến nghị các chính phủ thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững. Điều này bao gồm hợp tác với các tổ chức trong khu vực, trợ cấp cho các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học hàng không…
Báo cáo cũng gợi ý rằng các công ty và nhà nghiên cứu trong ngành tập trung nhiều hơn vào việc phát triển nhiên liệu hàng không bền vững bằng cách sử dụng nguyên liệu có tính khả dụng cao và rủi ro về tính bền vững thấp hơn. Bao gồm trấu và bã mía thay vì dầu cọ và ngô.
Thiên Bảo (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị