Đồng Nai: Tổ chức hội thảo khoa học Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận
Đồng Nai: Tổ chức hội thảo khoa học Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận
Sáng ngày 10-9, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn tỉnh”.
Sáng ngày 10-9, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn tỉnh”. Hội thảo do đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo công tác Dân vận tỉnh và đồng chí Cao Tiến Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác Dân vận tỉnh chủ trì.
Tham dự hội thảo có đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm: đồng chí Đào Văn Phước, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Xuân Hà, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Trần Trung Nhân, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Công tác dân vận với nhiều đổi mới
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng cho biết Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng. Đồng Nai hiện có dân số hơn 3,2 triệu người, đứng thứ 5 cả nước, và có 32 khu công nghiệp thu hút hơn 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc. Tỉnh cũng là nơi sinh sống của nhiều thành phần dân tộc và đông đảo tín đồ tôn giáo, với 50 dân tộc chiếm khoảng 6,5% dân số và hơn 65% dân số theo đạo.
Những đặc điểm trên tạo nhiều thuận lợi cho Đồng Nai trong phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng một nền văn hóa đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong quá trình đảm bảo ổn định chính trị – xã hội và thực hiện công tác bồi thường, thu hồi đất để triển khai các dự án lớn.
Trong những năm qua, công tác dân vận tại Đồng Nai đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, khẳng định vai trò trung tâm của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của tình hình mới, công tác dân vận vẫn còn những hạn chế, như việc nắm bắt và dự báo tình hình Nhân dân, định hướng tư tưởng cho đoàn viên, hội viên ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên và sâu sát.
Công tác phối hợp trong bồi thường, giải tỏa, tái định cư và xử lý các vụ việc liên quan đến tôn giáo đôi khi chưa kịp thời, đồng bộ. Mặc dù các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu với Nhân dân được tổ chức thường xuyên và mang lại nhiều kết quả, nhưng việc theo dõi, giám sát sau đối thoại lại chưa được chú trọng đúng mức. Ngoài ra, việc vận động quần chúng vào các tổ chức chính trị – xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận
Để đánh giá đúng thực trạng công tác dân vận trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Dân vận cấp huyện tiến hành khảo sát ý kiến của hơn 2.700 cán bộ các cấp và Nhân dân về công tác dân vận. Kết quả khảo sát cho thấy đa số các ý kiến đánh giá cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và hài lòng với kết quả công tác dân vận trên địa bàn.
Cụ thể, 87% ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thường xuyên, kịp thời; 90% ý kiến ghi nhận sự hài lòng về việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; hơn 85% ý kiến cho rằng cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục, như 33,67% ý kiến cho rằng việc phân công đảng viên trực tiếp làm công tác dân vận chưa rõ nét; 23,67% ý kiến phản ánh rằng việc công khai thông tin về quy hoạch, dự án liên quan chưa được thực hiện rộng rãi; và 4,75% ý kiến cho biết họ sẽ không tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền địa phương mà sẽ khiếu nại lên cấp trên khi có vấn đề bức xúc.
Trên cơ sở các vấn đề được nêu ra, hội thảo tập trung thảo luận về tầm quan trọng của công tác dân vận, các chủ trương, quan điểm của Đảng về dân vận, đồng thời đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện công tác dân vận thời gian qua. Nội dung thảo luận bao gồm việc triển khai công tác dân vận trong các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; đổi mới công tác dân vận chính quyền; và các giải pháp thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hội thảo cũng đề xuất các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác dân vận như: đổi mới phương thức vận động quần chúng; tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội; xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”; cải thiện công tác đối thoại, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân; và tăng cường hiệu quả công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình mới với nhiều thách thức đang đặt ra. Những giải pháp được đề xuất sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị