Đồng Nai tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Đồng Nai tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Nguyễn Vinh (T/h) –  Thứ năm, 15/12/2022 08:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở TN-MT thông tin đến các sở, ngành, địa phương và các đại biểu tham gia một số nội dung cơ bản của dự thảo đề án, các nội dung cần góp ý, hoàn thiện để đề án được ban hành và có tính khả thi cao.

Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. 

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin đến các sở, ngành, địa phương và các đại biểu tham gia một số nội dung cơ bản của dự thảo đề án, các nội dung cần góp ý, hoàn thiện để đề án được ban hành và có tính khả thi cao.

Đa số đại biểu đều khẳng định việc xây dựng, ban hành đề án này là cần thiết, cấp thiết để thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; nâng cao công tác quản lý chất thải, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

tm-img-alt
Một điểm thu gom rác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: ITN

Các đại biểu góp ý cần xem xét lại các chỉ tiêu, chẳng hạn: Chỉ tiêu đến năm 2025 có 100% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là quá cao; tương tự với trạm trung chuyển chất thải, hiện tỉnh chỉ có 14/63 trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật xây dựng và môi trường nhưng đề án đặt mục tiêu 3 năm nữa 100% trạm được chuẩn hóa là không khả thi…

Về giải pháp, cần đặc biệt coi trọng công tác truyền thông đến các em học sinh, đoàn viên thanh niên, người nội trợ về phân loại chất thải, giảm rác thải nhựa; khuyến khích mô hình hoặc giải pháp tái chế, tái sử dụng rác thải. Các ý kiến cho rằng, phân loại rác tại nguồn hiện nay chưa hiệu quả vì phương tiện, trạm trung chuyển chưa đồng bộ, phí dịch vụ thu gom rác hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thấp…

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng thời khẳng định những ý kiến này sẽ được rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Đề án sau đó sẽ được trình Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thông qua và UBND tỉnh ký ban hành.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích