Đồng Nai tạm giữ trên 16.500 sản phẩm quần áo không rõ nguồn gốc

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường số 4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai vừa kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng hóa quần áo may sẵn, tại địa chỉ xã Bình An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, do ông V.M.Đ làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang bày bán trên 16.500 sản phẩm quần áo các loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 135 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng mình nguồn gốc xuất xứ của lô hàng hóa trên.

 Số quần áo không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng thu giữ

Đội Quản lý thị trường số 4 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý như sau: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

Như vậy, hành vi buôn bán bán quần áo làm nhái lại thương hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Chính vi vậy hành vi này là hành vi vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích