Đồng Nai: Phó Chủ tịch UBND chỉ đạo xử lý dứt điểm việc giết mổ lậu
Đồng Nai: Phó Chủ tịch UBND chỉ đạo xử lý dứt điểm việc giết mổ lậu
Sáng 4/4, tỉnh Đồng Nai tổ chức buổi làm việc về kết quả thực hiện mạng lưới giết mổ động vật tập trung và xử lý giết mổ trái phép trên địa bàn tỉnh.
Buổi làm việc này do Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì cùng sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan.
Theo phê duyệt mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có 58 cơ sở giết mổ.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang tồn tại 3 loại hình cơ sở giết mổ gồm: giết mổ tập trung có 44 cơ sở (trong đó có 4 cơ sở đang tạm ngưng hoạt động); 5 cơ sở giết mổ tạm thời. Và nhiều lò giết mổ trái phép vẫn diễn ra phổ biến, tập trung đông ở các khu đô thị lớn như: TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom…
Ngoài ra, Đồng Nai cũng có 3 cơ sở đang thực hiện thủ tục xin cấp chủ trương đầu tư nhưng bị vướng các quy hoạch khác.
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Phi – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, việc quy hoạch mạng lưới giết mổ tập trung, xử lý giết mổ lậu rất quan trọng trong việc kiểm soát, quản lý về dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm… Hiện có nhiều quy định, điều luật để xử lý vấn đề này, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành và nhất là địa phương tập trung, quyết liệt xử lý giết mổ lậu. Các sở, ngành phải đồng bộ phối hợp, kiểm tra, xử lý toàn diện từ khâu kiểm soát, giết mổ đến vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tồn tại các lò giết mổ trái phép là do ý thức người dân và người tiêu dùng còn chưa cao, do công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, do tập quán người dân, do lợi nhuận của cơ sở giết mổ lậu, do mức phạt chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, quy định của pháp luật trong vấn đề quản lý giết mổ này còn lỏng lẻo, chưa sát thực tế nên hiệu quả kém.
Do đó, cần quản lý chặt đầu ra là thị trường tiêu thụ của các cơ sở giết mổ lậu như các sạp thịt, nhà hàng, Các điểm kinh doanh buộc phải có giấy phép kinh doanh thực phẩm, để hạn chế tình trạng giết mổ lậu. Việc kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lậu còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả cao. Cần quy trách nhiệm của việc này cho các lãnh đạo xã.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xử lý kịp thời, xử lý mạnh và kiên quyết vấn nạn giết mổ gia súc gia cầm lậu ở địa bàn. Ngoài ra, theo họ, chỉ một mình ngành thú y thì không làm nổi, cần có sự phối hợp giữa các ban ngành với nhau, để việc xử lý tốt hơn. Các địa phương phải chủ động xử lý việc giết mổ lậu này, phải làm quyết liệt.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị