Đồng Nai: Phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp

Đồng Nai: Phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn bởi những tác động bất lợi từ kinh tế toàn cầu, việc liên kết phát triển giữa các địa phương cũng như tạo cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất, kinh doanh, mở rộng hoạt động của mình là rất cần.

TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ rộng lớn và là nơi có nhiều tập đoàn, DN tư nhân mạnh nhất Việt Nam.

Hiện nay, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh có 11 nội dung phối hợp song phương. Năm 2023 đã hoàn thành 4/11 nội dung; 6/11 nội dung hoàn thành một phần và 1 nội dung đang thực hiện. Một số nội dung phối hợp trọng tâm đang triển khai là các dự án thành phần của đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, 2 địa phương còn phối hợp đề xuất Chính phủ nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1 đến Đồng Nai; điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh,…

tm-img-alt

Tại Đồng Nai, lũy kế từ năm 1991 đến hết năm 2023, toàn tỉnh có hơn 52 ngàn DN đăng ký hoạt động với tổng vốn hơn 458 ngàn tỷ đồng. Trong đó có khoảng 86% DN nhỏ và vừa. Đây là loại hình DN rất cần được ngành chức năng tư vấn, hỗ trợ các dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh.

Trong phát triển DN nhỏ và vừa, DN tư nhân luôn được Đồng Nai khuyến khích. Từ năm 2020, Đồng Nai đã xây dựng Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa của tỉnh. Mục tiêu của Đồng Nai nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trên địa bàn. Từ đó phát huy nội lực của DN, thúc đẩy phát triển về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho tỉnh.

Đối với sự phát triển nhanh về số lượng DN, Bình Dương được nhắc đến như một điểm sáng. Tỉnh Bình Dương định hướng phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, bền vững, là động lực cho sự phát triển về lâu dài. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 80 ngàn DN (bình quân mỗi năm có trên 7,5 ngàn DN gia nhập thị trường).

Tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, hầu hết DN đều nhìn thấy và đánh giá cao tiềm năng của các địa phương trong vùng. Đến năm 2025-2026, hạ tầng của khu vực này như: đường vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hoàn thiện. Khi đó, cơ hội đầu tư của các DN rất lớn.

Vốn được coi là vùng năng động nhất cả nước, một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy môi trường kinh doanh tại các địa phương trong khu vực là tăng cường đối thoại, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với DN. Trong năm 2023, đích thân bí thư, chủ tịch UBND của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đều gặp gỡ với cộng đồng DN trong nước và nước ngoài để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN.

Để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh Đông Nam Bộ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng vì khi DN hoạt động tốt sẽ kéo tỷ lệ tăng trưởng GRDP của địa phương tăng lên.

Riêng với Đồng Nai, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, trọng tâm trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và đồng hành cùng DN là phải đảm bảo tính “sẵn sàng” đáp ứng cho các yêu cầu của cộng đồng DN. Đồng Nai có mức độ phát triển kinh tế cao, có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi sự cạnh tranh về thu hút đầu tư ngày càng cao thì với vị thế của mình, tỉnh sẽ có sự chọn lọc các dự án và để giữ được vị thế của mình, việc đồng hành cùng DN, cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích