Đồng Nai: Phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải các loại mỗi ngày

Đồng Nai: Phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải các loại mỗi ngày

Xử lý rác thải nhựa đang được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và ngành TN-MT rất quan tâm.

Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải nên ý thức của từng người dân là rất quan trọng. Nhưng vấn đề là làm sao phân loại đồng bộ và hiệu quả thì mới đạt kết quả như mong muốn, nghĩa là phải thống nhất từ khâu phân loại, thu gom đến khâu xử lý cuối cùng phải đồng bộ, thống nhất.

Chính quyền các cấp phải chủ động tuyên truyền, hướng dẫn việc phân loại rác đến người dân một cách cụ thể. Khi mọi việc đi vào quỹ đạo, tạo thành thói quen đối với từng người dân, lúc này các quy định xử phạt mới phát huy được tác dụng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.IT

Mỗi tỉnh đã có những cách làm và giải pháp triển khai khác nhau, tuy nhiên, trong cách làm của các tỉnh đều có điểm chung là triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng mô hình phân loại rác tại hộ gia đình, nhằm nâng cao ý thức người dân về phân loại rác, góp phần giảm thiểu lượng rác đưa đi xử lý và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong đời sống người dân. Đặc biệt phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.

Hiện nay, có tình trạng người thì phân loại rác tại nguồn, người lại không thực hiện, nơi có thùng rác công cộng, nơi không và thùng rác một màu, người dân không biết bỏ rác đã phân loại vào thùng nào…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đồng Nai đang phấn đấu tăng tỷ lệ thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa từ 64,8% lên 85%. Muốn đạt được mục tiêu này, cần thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn.

Hiện mỗi ngày Đồng Nai phát sinh khoảng 3,6 ngàn tấn rác thải các loại, trong đó có gần 2 ngàn tấn rác thải sinh hoạt. Trong số này, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm từ 6-8% (tương đương từ 120-140 tấn/tổng lượng rác thải sinh hoạt/ngày). Rác thải nhựa bao gồm các loại: chai lọ, ly muỗng, bao bì, túi đựng hay các sản phẩm nhựa gia dụng… So với nhiều địa phương khác thì lượng rác thải nhựa ở Đồng Nai là khá lớn. Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh đông dân, với 3,2 triệu dân thì lượng rác sinh hoạt thải ra nhiều tương ứng, rác thải nhựa vì thế cũng nhiều hơn.

Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 24-3-2020 của Ban TVTU về Tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh, 11 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn 100% các xã, phường về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó mở rộng phạm vi thực hiện tại 160 phường, xã thị trấn. Hiện tỷ lệ số hộ dân tham gia thực hiện phân loại rác thải tại nguồn là 43%. Tuy nhiên, khối lượng rác thải sinh hoạt sau phân loại chỉ đạt 21,5%.

Đồng Nai đang phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 15%. Do đó chỉ có phân loại rác thải tại nguồn mới có thể đạt mục tiêu này.

Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, triển khai và hoạt động truyền thông về thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa thật hiệu quả; các địa phương thiếu sự đôn đốc, quyết liệt và nghiêm túc khi chưa xem hoạt động phân loại rác tại nguồn là thiết thực; phần lớn người dân chưa nhận thức được phân loại rác tại nguồn là cần thiết và ích lợi cho môi trường nên chưa duy trì hoạt động này bền vững. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, việc thiếu đồng bộ trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác sau phân loại, dẫn đến tỷ lệ phân loại rác tại nguồn chưa đạt như mong muốn.

Đồng Nai đang thực hiện bổ sung, thay đổi Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2050, trong đó tập trung nhiều giải pháp như: chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa thành sản phẩm hữu ích sử dụng trong nước và xuất khẩu; truyền thông nâng cao nhận thức người dân về tác hại của rác thải nhựa và tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức hạn chế sử dụng đồ nhựa, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, tái sử dụng đồ nhựa sau khi dùng thành các vật hữu ích khác để hạn chế thải chúng ra môi trường.

Ngày hội Đổi rác tái chế lấy quà được Thành đoàn Biên Hòa tổ chức tại điểm Trường THCS Phước Tân (TP.Biên Hòa)
Ngày hội Đổi rác tái chế lấy quà được Thành đoàn Biên Hòa tổ chức tại điểm Trường THCS Phước Tân (TP.Biên Hòa)

Đặc biệt là triển khai có hiệu quả 100% hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhằm giảm thiểu tổng lượng rác thải nhựa ra ngoài môi trường, từ đó hạn chế được tình trạng ô nhiễm “trắng” (ô nhiễm do rác thải nhựa) – vốn đang là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích