Đồng Nai: Phát hiện cơ sở sản xuất hơn 1.000 bánh trung thu không đảm bảo an toàn thực phẩm
Ngày 13/8/2024, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Chu Thị Thu Hương đã ký ban hành văn bản số 2257/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024.
Tại Đồng Nai, thời gian gần đây, lực lượng trinh sát Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Sở Y tế Đồng Nai) và Công an phường Tam Hiệp tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh trung thu tại khu phố 1, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa. Cơ sở này do ông P.M.K. làm chủ, đang sản xuất bánh trung thu trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cơ sở sản xuất hơn 1.000 bánh trung thu không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: Cục QLTT Đồng Nai)
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hơn 1.000 sản phẩm bánh trung thu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ cơ sở không xuất trình giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh và sản xuất bánh trung thu, đồng thời không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sử dụng. Các vi phạm này bao gồm không đảm bảo điều kiện chung về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và chế biến.
Trước những vi phạm nghiêm trọng này, đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, niêm phong, tạm giữ toàn bộ số bánh trung thu để tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Cẩn trọng bánh trung thu “trôi nổi”
Không chỉ các cơ sở sản xuất trong nước, thị trường bánh trung thu tại Việt Nam hiện đang đối mặt với sự xâm nhập của các loại bánh trung thu “xách tay” và bánh trung thu handmade từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Khảo sát trên chợ mạng cho thấy nhiều loại nguyên liệu làm bánh như bột mì, nhân đậu xanh, khoai môn, cốm dừa… được bán tràn lan nhưng không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ hay hạn sử dụng.
Những nguyên liệu này được nhiều người mua về để làm bánh trung thu handmade và kết quả là sản phẩm không thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại bánh này tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi khuẩn, nấm mốc, hóa chất độc hại nếu quá trình bảo quản và chế biến không đảm bảo.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, trào lưu mua sắm các loại bánh trung thu như bánh trứng chảy (lava trứng chảy) hoặc bánh trung thu nướng nhân ngọt, chà bông, trứng muối ngàn lớp… gắn mác “xách tay” từ Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore… đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm này là bánh nhập lậu, không có tem phụ tiếng Việt và địa chỉ sản xuất ghi trên bao bì thường là giả mạo. Khi tiêu thụ, người tiêu dùng dễ bị lừa bởi bao bì đẹp mắt nhưng chất lượng bánh không tương xứng với quảng cáo.
Chị Nguyễn Hương Thanh, một người tiêu dùng tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa chia sẻ: “Tôi đã mua thử một hộp bánh lava trứng chảy Đài Loan với giá 120 ngàn đồng, nhưng khi ăn thử thì bánh không ngon như quảng cáo. Bao bì ghi hạn sử dụng 3 tháng kể từ ngày sản xuất, nhưng bánh đã chảy dầu và có mùi hăng, không giống với bánh trung thu thông thường. Gia đình tôi đã quyết định ngưng sử dụng do lo ngại về chất lượng”.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và có một mùa Trung thu ý nghĩa, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có đầy đủ thông tin như tên, địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Hãy kiểm tra bao bì nguyên vẹn, chữ in rõ ràng, không bị nhòe, tránh mua những sản phẩm có màu sắc hoặc mùi hương khác thường.
Duy Trinh (t/h)