Đồng Nai: Ô nhiễm môi trường từ bãi sàng rửa đất lấy cát trái phép
Đồng Nai: Ô nhiễm môi trường từ bãi sàng rửa đất lấy cát trái phép
Theo dõi MTĐT trên
Bãi tập kết tại xã Lộc An (Long Thành – Đồng Nai) bị người dân phản ánh tình trạng chủ bãi đưa phương tiện cơ giới vào đào mương dẫn nước để phục vụ hoạt động hút, rửa và vận chuyển cát. Tại đây đất được chở các nơi về để tập kết, sàng rửa lại gây ô nhiễm
Thời gian vừa qua, nhiều hộ dân sống tại xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai liên tục phản ánh về tình trạng bãi tập kết hút, rửa cát hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường.
Theo một số người dân địa phương cho biết, hằng ngày có rất nhiều xe tải vận chuyển đất vào bãi tập kết hút, rửa cát. Sau khi cát được rửa sàng lọc, nhiều xe khác chở ra ngoài đưa đi tiêu thụ. Bãi tập kết, hút rửa cát này đã hoạt động trong thời gian dài và ngày càng mở rộng về quy mô, thậm chí có những thời điểm hoạt động cả ngày lẫn đêm, gây khói bụi, tiếng ồn cho nhiều hộ dân sống gần khu vực trên và ô nhiễm nguồn nước.
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam đã đến để tìm hiểu thông tin sự việc.
Theo tìm hiểu, khu vực người dân phản ánh có tình trạng hoạt động “hút, rửa cát” nằm tại thửa đất số 316,317 tờ bản đồ số 4, tại xã Lộc An, có diện tích khoảng hơn 2 ha
Cũng theo người dân sinh sống gần bãi tập kết hút, rửa cát trái phép, hoạt động ở đây diễn ra rầm rộ và công khai đã nhiều năm qua; xe ôtô tải, máy ủi cát liên tục gầm rú từ rạng sáng cho đến gần trưa.
Xe ôtô tải chở cát từ bãi tập kết hút, rửa cát ra đường Long Đức – Lộc An gây bụi mù mịt vào ngày nắng, nhếch nhác vào ngày mưa.
Ngoài ra, bãi tập kết hút, rửa cát này nằm cách Ủy ban nhân dân xã Lộc An này chỉ chưa đầy 1km.
Về sự việc này phóng viên đã liên hệ với ông Lý Minh Long, Chủ tịch UBND xã Lộc An, đã được ông Long cho biết, “Đã chỉ đạo cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch kiểm tra xử lý bãi gây ô nhiễm này”
Phóng viên cũng liên hệ ông Phan Công Minh, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Long Thành, “ở xã này không có bãi rửa, sàng vật liệu xây dựng nào được cấp phép”.
Tình trạng bãi rửa cát đã diễn ra một thời gian dài, ngang nhiên công khai nhưng không hề bị cơ quan chức năng nào xử lý.
Theo quy định, đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi hủy hoại đất thì chủ thể thực hiện hành vi hủy hoại đất theo Điều 15 – Nghị định 91 sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 150 triệu đồng. Ngoài ra, người hủy hoại đất làm ảnh hưởng đến môi trường còn phải chịu hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện hành vi hủy hoại đất còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và có thể bị thu hồi đất theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai.
Hành vi hủy hoại đất được hiểu như thế nào?
Theo Luật sư Trương Xuân Hải (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội): Hành vi hủy hoại đất được quy định tại khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai 2013. Theo đó, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
Bên cạnh đó, tại khoản 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định cụ thể, chi tiết hơn về hành vi hủy hoại đất như sau:
Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:
Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; San lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; Trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận;
Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp;
Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người;
Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất;
Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà phải đầu tư cải tạo đất mới có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị