Đồng Nai nỗ lực trở lại “đường đua kinh tế”
Bắt đúng bệnh!
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH – ĐT) tỉnh Đồng Nai, năm 2023, tỉnh Đồng Nai có 8/31 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch mà nghị quyết của tỉnh ủy đề ra. Cụ thể, trong số 31 chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023, có 9 chỉ tiêu thực hiện vượt, 14 chỉ tiêu hoàn thành và có 8 chỉ tiêu không đạt. Đáng lưu ý trong số 8 chỉ tiêu không đạt thì có tới 5 chỉ tiêu rất quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP, thu nhập tính theo đầu người/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, vốn đầu tư toàn xã hội và thu ngân sách.
Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Nai trong năm 2023 sụt giảm là do giải ngân vốn đầu tư công thấp. Trong ảnh dự án đầu tư cao tốc Bến Lức – Long Thành đang thi công. |
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai cho hay, trong năm 2023, GRDP của tỉnh chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mục tiêu nghị quyết là từ 7,5% đến 8,5%. Đây là năm tỉnh có sự sụt giảm đáng kể về tốc độ tăng trưởng GRDP. Cũng theo ông Nguyên, với sự tăng trưởng nói trên, năm 2023 là năm tỉnh Đồng Nai có tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất so với các tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ. Ngoài ra với việc kinh tế sụt giảm này đã ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu thu nhập bình quân tính theo đầu người của tỉnh, tức chỉ đạt 139,75 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với mục tiêu của tỉnh đề ra là 145-150 triệu đồng/người/năm. Cũng theo Sở KH – ĐT, năm 2023, thu ngân sách của tỉnh Đồng Nai ước tính chỉ đạt 58.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Tính đến hết ngày 30/11, tỉnh Đồng Nai chỉ giải ngân được 37% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân của cả nước là 60,1% và đứng thứ 54/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Nói về sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế của địa phương, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai dẫn chứng, trong số 72 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập thì trên hệ thống chỉ còn 35 nghìn DN hoạt động, trong đó có khoảng 24 nghìn DN có phát sinh thuế. Mặt khác, tình hình thu hút vốn đầu tư tuy có khả quan nhưng vẫn chưa thể an tâm khi Đồng Nai vẫn chưa xuất hiện trở lại những dự án đầu tư có số vốn “khủng”. Trong khi đó, một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ như tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn thu hút vốn đầu tư từ nhiều dự án lớn.
Để duy trì vị thế phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, đòi hỏi tỉnh này phải tiếp tục nhìn thẳng, phân tích sâu những tồn tại, hạn chế để “bắt đúng bệnh” và “kê thuốc” đúng liều lượng, nhằm tháo gỡ kịp thời, sớm đưa Đồng Nai trở lại “đường đua” phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. |
Dẫn chứng về thu hút đầu tư nhưng chưa có những dự án xứng tầm, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở KH – ĐT cho biết, trong 11 tháng của năm 2023 thu hút được 12,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước với 20 dự án, như vậy tỷ lệ trung bình vốn/dự án vẫn ở mức rất thấp. Tương tự, thu hút mới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh đạt 317 triệu USD, vốn bổ sung là 750 triệu USD, nhưng tỷ lệ vốn/dự án cũng ở mức thấp. Thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI của Đồng Nai có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây do quỹ đất các khu công nghiệp (KCN) để thu hút DN đã gần hết, trong khi đó các KCN mới được thành lập cũng còn khá ngổn ngang, chưa được đầu tư hạ tầng. Đơn cử như KCN công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) đã bàn giao được 220ha đất nhưng mới chỉ có khoảng 80ha có thể triển khai hạ tầng cho thuê. Hay KCN Long Đức 3 (huyện Long Thành) dù đã có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ nhưng còn vướng thủ tục và chưa thể giao đất cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng.
Kê thuốc đúng liều
Cũng nói về nguyên nhân của sự sụt giảm về tăng trưởng kinh tế của địa phương, ông Thái Bảo – Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, một phần do năm 2023 là năm chịu ảnh hưởng từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều DN trên địa bàn thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm và tình trạng cắt giảm việc làm. Tuy nhiên, nếu xét toàn diện, theo vị lãnh đạo này bên cạnh yếu tố khách quan nói trên cũng còn có yếu tố chủ quan, mà trong đó nhân tố con người đóng vai trò quan trọng nhất, kế đến là công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh hiện chưa thật sự đạt hiệu quả như kỳ vọng. Theo vị lãnh đạo này, để sớm vực dậy nền kinh tế địa phương, tỉnh cần gỡ vướng để khai thác các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hoàn thiện các quy hoạch, triển khai các khu tái định cư phục vụ dự án…
Trong khi đó theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, thời gian qua, một số đơn vị, địa phương cùng lúc vừa phải xử lý những việc cũ, vừa phải thực hiện những việc mới nên khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên không ít lãnh đạo, địa phương chưa quyết liệt, còn “thả nổi” việc này, việc kia. “Chúng ta thu hút đầu tư có chọn lọc, biết chắt lọc hơn nên vốn vào tỉnh không ồ ạt như xưa. Thu hút đầu tư là mấu chốt của vấn đề, trong đó vừa thu hút đầu tư mới, vừa chấn chỉnh lại những dự án đã cấp phép mà chậm đầu tư”.
Do đó để vực dậy sự tăng trưởng nền kinh tế địa phương, ông Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, mỗi cán bộ, mỗi ngày phải cố gắng, thúc đẩy công việc, vì mỗi khâu chậm một chút sẽ mất cơ hội. Cũng theo ông Lĩnh, năm 2024, Đồng Nai bước vào giai đoạn gấp rút triển khai đối với một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Đây cũng là năm tỉnh cần nỗ lực hơn nữa trong thu hút đầu tư FDI, cải thiện sản xuất công nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời cho biết, sắp tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiến hành giám sát một số việc, vì sao chậm, cá thể hóa trách nhiệm của sở, ngành và cá nhân để tìm rõ nguyên nhân.
Nguồn: Báo lao động thủ đô