Đồng Nai ngổn ngang các công trình trọng điểm

Đồng Nai ngổn ngang các công trình trọng điểm

Đồng Nai đang triển khai hàng chục dự án, thế nhưng tiến độ thực hiện lại rất chậm so với kế hoạch. Đâu là giải pháp của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để thúc đẩy tiến độ các công trình trọng điểm?

Chưa đủ mặt bằng để triển khai

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện có 20 dự án, công trình trọng điểm đang triển khai. Trong đó, có cả dự án cấp tỉnh và dự án cấp quốc gia. Tổng nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm hơn 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay mới giải ngân hơn 450 tỷ đồng, đạt hơn 11% kế hoạch.

tm-img-alt
Đường ven sông Đồng Nai thi công chậm vì vướng mặt bằng.

So với kết quả giải ngân chung của tỉnh và cả nước thì việc thực hiện và giải ngân của các công trình trọng điểm của Đồng Nai đạt rất thấp. Khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình triển khai các công trình, dự án trọng điểm chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Ngô Thế Ân – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, mặc dù chưa đủ mặt bằng để triển khai nhưng đơn vị này đã cho khởi công.

Lý do được ông Ân đưa ra là cuối tháng 12/2022, số vốn ngân sách Trung ương cấp vẫn còn tồn ở ngân sách tỉnh. Nếu không giải ngân ở thời điểm đó thì Trung ương sẽ thu lại nguồn vốn này và không bố trí trở lại.

“Đây là một cái khó của chủ đầu tư, chúng tôi xin nhận khuyết điểm là ở giai đoạn đầu của dự án triển khai chậm. Đến thời điểm hiện nay, TP. Biên Hòa đã bàn giao một phần ở phường Thống Nhất qua phường Hiệp Hòa, đoạn này đã bàn giao hơn 2 ha”, ông Ngô Thế Ân nói.

tm-img-alt
Đồng Nai chưa hoàn thành khu tái định cư cho cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Một dự án trọng điểm khác trên địa bàn TP.Biên Hòa là dự án bờ kè và đường ven sông Đồng Nai. Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên cho biết, hiện vướng mắc lớn khi làm đường ven sông là chưa có đất để tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa.

“Vướng giao đất tái định cư thuộc Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai khoảng 172 lô. Nếu được giao đất thì địa phương bố trí di dời và gần như hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Theo quy định tiền thuê nhà chỉ hỗ trợ 5 tháng để di dời, thế nhưng một số hộ chưa đồng thuận”, ông Đỗ Khôi Nguyên cho biết.

Tập trung giải ngân từng dự án

Đối với dự án cấp quốc gia là Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, tiến độ thực hiện mới dừng lại ở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện trong 4 khu tái định cư thì mới có 1 khu đã khởi công nhưng cũng chưa triển khai được.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, do mới giải ngân trong khối lượng công việc thuộc thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng nên tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp khoảng 1,54%.

tm-img-alt
Khu vực xây cầu Thống Nhất còn vướng 20 lồng bè nuôi cá chưa di dời.

“Hiện nay thu hồi đất một số vị trí của các tổ chức như Trường giáo dưỡng số 4, Bộ Công an và Tập đoàn cao su còn một số khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh đã làm việc và có hướng xử lý. Việc di dời hạ tầng phạm vi toàn tuyến đang được tỉnh giao cho các cơ quan liên quan rà soát, xử lý”, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư và tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm chậm trễ, ông Võ Tấn Đức – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương có dự án trọng điểm phải tập trung quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, xử lý kịp thời các khiếu nại, tạo sự đồng thuận của nhân dân, không để chậm làm ảnh hưởng đến việc xây dựng các công trình. Việc đầu tư các khu tái định cư phải xây dựng đường gantt cho từng dự án, phù hợp với tiến độ bố trí tái định cư trên địa bàn, tránh bị động.

“Đối với các chủ đầu tư, tôi đề nghị tập trung lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án. Tuân thủ nghiêm kế hoạch từng tháng, từng quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn để đẩy nhanh tiến độ”, ông Võ Tấn Đức nói.

Tỉnh Đồng Nai đang có dấu hiệu “chững” lại trong phát triển kinh tế – xã hội. Đột phá về hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư. Do đó, tỉnh Đồng Nai cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện các dự án trọng điểm, sớm đưa các công trình vào khai thác.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích