Đồng Nai lo “ế” các gói thầu xử lý rác sinh hoạt

Đồng Nai lo “ế” các gói thầu xử lý rác sinh hoạt

Năm 2023, có địa phương trong tỉnh Đồng Nai đến tháng 10, 11 mới ký được hợp đồng xử lý rác sinh hoạt (RSH) khiến công tác thu gom, vận chuyển luôn bị động.

Năm 2023, có địa phương trong tỉnh đến tháng 10, 11 mới ký được hợp đồng xử lý rác sinh hoạt (RSH) khiến công tác thu gom, vận chuyển luôn bị động. Chuyện cũ có nguy cơ lặp lại bởi số lượng đơn vị tiếp nhận và xử lý RSH ngày một ít, trong khi khối lượng rác lại ngày càng tăng.

Người dân TP.Biên Hòa đổi rác sinh hoạt đã phân loại lấy quà tặng. Ảnh: H.Lộc
Người dân TP.Biên Hòa đổi rác sinh hoạt đã phân loại lấy quà tặng. Ảnh: H.Lộc

Một quy trình thủ tục đơn giản, chu kỳ và đơn giá đấu thầu phù hợp là điều doanh nghiệp (DN) mong muốn.

Mở thầu nhiều nhưng… “ế”

Năm 2023, H.Nhơn Trạch nhiều lần mở gói thầu xử lý RSH nhưng không có đơn vị tham gia. Vài tháng 1 lần, thậm chí có tháng 3 lần huyện nhận thông báo ngưng tiếp nhận rác. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý RSH luôn trong tình trạng bị động, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường của huyện.

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành chia sẻ, năm qua đã 5 lần thông báo đấu thầu xử lý RSH nhưng không có đơn vị tham gia. Mãi đến cuối năm huyện mới ký được hợp đồng xử lý rác. Tuy nhiên, cơ bản đây không phải là hợp đồng để tiếp tục xử lý rác mà là hợp đồng ký để có cơ sở thanh toán tiền xử lý rác tạm trong năm. Huyện rất lo lắng chuyện cũ lặp lại sẽ ảnh hưởng đến môi trường, an sinh xã hội.

Không riêng H.Nhơn Trạch mà các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Tân Phú, Cẩm Mỹ cũng trong tình trạng không có đơn vị dự thầu xử lý RSH. Giải pháp tình thế của các địa phương là “cầu cứu” Sở TN-MT, UBND tỉnh tác động để DN ký hợp đồng tạm tiếp nhận, xử lý rác cho địa phương.

Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú Phạm Ngọc Hưng cho biết, năm qua, vì không có đơn vị dự thầu nên hợp đồng xử lý RSH không ký được. Huyện ký hợp đồng tạm với một DN xử lý RSH nhưng bị “dọa” ngưng nhận rác mấy lần bởi hợp đồng tạm chỉ được thanh toán 70% giá trị, đôi khi thủ tục phức tạp khiến huyện chậm thanh toán tiền cho DN.

“Chúng tôi đang làm hồ sơ mời thầu xử lý RSH năm 2024. Qua làm việc với DN đang xử lý rác tạm cho huyện thì họ đồng ý nhận rác đến tháng 6-2024. Còn chuyện có hay không tham gia đấu thầu xử lý RSH cho huyện thì chưa biết. Trong 6 tháng cuối năm, rác của huyện đưa về đâu cũng chưa biết. Nguy cơ ùn ứ rác, ô nhiễm môi trường xảy ra” – ông Hưng cho hay.

Hiện tại, các địa phương đang làm thủ tục mời thầu gói xử lý RSH năm 2024 nhưng tình hình không khả quan hơn năm 2023. Nguyên nhân là số lượng DN và công suất tiếp nhận RSH trên địa bàn tỉnh không tăng, nhưng lượng rác tăng thêm khoảng 5%/năm. Khu xử lý RSH lớn nhất tỉnh thông báo chỉ duy trì công suất 1,2 ngàn tấn/ngày đến hết tháng 6-2024, những tháng còn lại nếu giảm 50% công suất tiếp nhận thì xử lý rác của 4-5 huyện là vấn đề cần phải tính toán.

Doanh nghiệp phải cộng đồng trách nhiệm

Đồng Nai không thiếu quỹ đất dành cho xử lý RSH, nhưng vài năm trở lại đây, công tác quản lý loại chất thải này chưa thực sự tốt. Hiện có 3/7 khu xử lý không tham gia đấu thầu xử lý RSH cho các huyện. Có 1 khu xử lý chưa đủ điều kiện để tham gia đấu thầu, ký hợp đồng dù vẫn tiếp nhận rác. 3 khu xử lý còn lại, chỉ cần 1 khu không tham gia đấu thầu trong năm 2024 hoặc xảy ra sự cố máy móc chắc chắn sẽ có ùn ứ rác.

Đồng Nai hiện phát sinh hơn 2 ngàn tấn RSH/ngày. Có 4 khu xử lý đang tiếp nhận, xử lý rác cho các địa phương là: Xuân Tâm, Quang Trung, Vĩnh Tân và Đa Lộc, trong đó có Xuân Tâm chưa đủ điều kiện về pháp lý tham gia đấu thầu.

Theo các địa phương, lý do DN không muốn tham gia đấu thầu xử lý RSH là quy trình thủ tục phức tạp, thường hết quý I hoặc quý II mới xong thủ tục trong khi đó DN đã phải nhận rác nhưng không được nhận đầy đủ chi phí. Hồ sơ, quy trình đấu thầu phức tạp nhưng hợp đồng ký chỉ 1 năm, DN có tâm lý lo năm sau không trúng thầu nên cũng hạn chế đầu tư công nghệ, thiết bị. Đơn giá trần xử lý rác nhiều năm nay không tăng. Chưa có chế tài đối với DN được tỉnh giao đất nhưng chậm đầu tư hạ tầng, hoàn thành thủ tục để tiếp nhận RSH.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, các tồn tại nói trên đã và đang được tháo gỡ. Cụ thể, trong tháng 12-2023, UBND tỉnh đã ban hành đơn giá xử lý RSH để địa phương có cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu. Ban hành quyết định điều chỉnh tăng đơn giá thu gom RSH từ hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho việc chuẩn hóa phương tiện, thiết bị và cải thiện chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường. Ban hành đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Làm việc với Sở TN-MT về kết quả năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt chỉ thị, trong đó có liên quan đến môi trường. Trong quý I này, Sở TN-MT chủ trì xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Đồng Nai. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện phân loại RSH tại nguồn để giảm lượng rác thải phải xử lý. Các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý của dự án đốt rác phát điện công suất 1,2 ngàn tấn/ngày để giảm áp lực tiếp nhận cho các khu xử lý.

Các huyện, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý RSH trên địa bàn hiệu quả.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích