Đồng Nai chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu: 7 Bệnh viện dã chiến và 350 giường hồi sức
(Xây dựng) – Theo Sở Y tế Đồng Nai, hiện nay tỉnh này đang điều trị 2.374 ca nhiễm Covid-19 trên tổng số 2.444 ca mắc Covid-19. Thời gian qua, Đồng Nai đã công bố khỏi bệnh cho 96 người. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 với biến thể Delta lây lan mạnh, Đồng Nai đã, đang gấp rút hoàn thiện 7 Bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân. BS CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
BSCKII Lê Quang Trung (phải) trả lời phỏng vấn. |
PV: Thưa ông, vì sao Đồng Nai đốc thúc thành lập đến 7 Bệnh viện dã chiến như hiện nay?
BSCKII Lê Quang Trung: Làn sóng Covid-19 lần 4 với chủng Delta diễn biến rất khó lường và phức tạp, được chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Y tế được giao thành lập các Bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân. Chủ động sẵn sàng cho các tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Thực hiện chủ trương đó, đến nay Đồng Nai đã có 7 Bệnh viện dã chiến đang thu dung điều trị bệnh nhân, đó là: Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện dã chiến số 01 – Trung tâm Y tế Thống Nhất, Bệnh viện dã chiến số 02 – Ký túc xá Cơ sở 3 Đại học Lạc Hồng, Bệnh viện dã chiến số 03 – Ký túc xá Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 (thành phố Biên Hòa); Bệnh viện dã chiến số 04 – Trung tâm Giáo dục Quốc phòng tỉnh, Bệnh viện dã chiến số 05 – Trường Cao đẳng Cơ giới Thủy lợi, Bệnh viện dã chiến số 06 – KTX Trường ĐH Đồng Nai
Cùng với đó là 3 đơn vị Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Thống Nhất Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh. Nhìn chung, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh Đồng Nai đang đảm đương tốt khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.
Dự kiến của Đồng Nai cố gắng đạt 5.000 giường và có khả năng mở rộng từ 8.000 – 10. 000 giường. Chúng tôi sẽ tận dụng các ký túc xá, những nơi có sẵn tiện nghi cơ bản để nhanh chóng đưa vào sử dụng.
Chúng tôi cũng tính toán, nếu dịch phức tạp khi số bệnh nhân tăng lên 5.000 người nhiễm, ở các mức độ, Đồng Nai có thể đảm đương được. Tuy nhiên, nếu vượt 5.000 người chắc chắn nguồn nhân lực sẽ thiếu.
Đồng Nai đã chuẩn bị 150 giường hồi sức tích cực (ICU), song song với đó chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng xây dựng 1 đơn vị hồi sức tích cực 200 giường tại bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành.
PV: Thưa bác sĩ, ông đánh giá như nào về sự hỗ trợ của Tổ công tác Bộ Y tế chống dịch tại Đồng Nai và 15 thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai hiện nay?
BSCKII Lê Quang Trung: Thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đang hỗ trợ rất tốt y tế Đồng Nai, họ đã tổ chức liên tục các lớp đào tạo từ kiến thức cơ bản, kiến thức nâng cao ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, nòng cốt hiện nay về điều trị bệnh nhân nặng của tỉnh. Chúng tôi, mong muốn thời gian tới thầy thuốc Bạch Mai tiếp tục mở rộng đào tạo, huấn luyện cho nhiều bệnh viện khác.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành (phải) làm việc với Tổ công tác của Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai. |
Ngành Y tế Đồng Nai đánh giá cao hoạt động của Tổ hỗ trợ của Bộ Y tế về truy vết, lấy mẫu, giám sát Khu công nghiệp… giúp chúng tôi hoạch định một số chính sách phù hợp với kinh nghiệm của tổ đã giúp nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của Tổ hỗ trợ Bộ Y tế đã giúp chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt chống dịch.
Nhờ cầu nối của Tổ công tác Bộ Y tế chúng ta đã tập trung được trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhiều địa phương, qua đó các chỉ đạo của Trung ương được kịp thời, không tản mác.
PV: Đồng Nai có hệ thống y tế ngoài công lập rất tốt, địa phương đã có kế hoạch huy động sự vào cuộc của họ chưa?
BSCKII Lê Quang Trung: Trước mắt, chúng tôi chỉ huy động về nhân lực từ các cơ sở y tế ngoài công lập. Bởi vì, hiện nay qua đánh giá, chúng tôi có hệ thống y tế công lập đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về điều trị. Ví dụ, khi cần thiết, chúng tôi huy động Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với quy mô 700 giường có thể nâng lên đến 1.000 giường. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được thiết kế hiện đại, có đầy đủ hệ thống ôxy, hệ thống theo dõi, lọc thận, CT Scaner, MRI… đủ điều trị bệnh nhân nặng. Do đó, chúng tôi chưa có nhu cầu huy động cơ sở vật chất của y tế ngoài công lập.
Chúng tôi xác định y tế công lập phải đi trước, khi nào quá tải sẽ tính đến. Dĩ nhiên, việc huy động y tế ngoài công lập cũng đã trong kế hoạch.
Hệ thống y tế ngoài công lập đã chủ động cử lực lượng, trang thiết bị tham gia chống dịch như tham gia truy vết, xét nghiệm, tiêm vắc xin Covid-19…
PV: Cảm ơn bác sĩ
Nguồn: Báo xây dựng