Đông Hưng (Thái Bình): Gắn bảo vệ môi trường với giảm nghèo bền vững

Đông Hưng (Thái Bình): Gắn bảo vệ môi trường với giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và công tác quản lý chất thải rắn của huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Những cách làm hay, những mô hình, chính sách gắn nâng cao chất lượng môi trường với giảm nghèo bền vững đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Vấn đề môi trường thách thức sự phát triển kinh tế – xã hội

Trong những năm qua, phát triển kinh tế đi đôi với BVMT nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Nghị quyết số 41/2004/NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT đã nhất quán chỉ đạo bắt buộc phải thực hiện việc nghiên cứu lồng ghép chặt chẽ các vấn đề môi trường vào trong chiến lược/quy hoạch/kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các cấp, các ngành theo tinh thần “Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”.

50_doan_vien_thanh_nien_huyen_dong_hung_ra_quan_khoi_thong_dong_chay_tai_xa_dong_quang_11055203042021.jpg
Đông đảo đoàn viên thanh niên xã Đông Động (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) ra quân dọn bèo rác trên sông

Để nêu cao tinh thần này, UBND huyện Đông Hưng luôn quan tâm đến công tác BVMT, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Theo số liệu của UBND huyện Đông Hưng, huyện có diện tích tự nhiên 19.933,8 ha, dân số năm 2022 là 247.860 người, phân bố ở 38 đơn vị hành chính cơ sở, trong đó có 37 xã và 1 thị trấn.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các khu công nghiệp, đô thị như: Khu công nghiệp Gia Lễ; khu dân cư đô thị tại thị trấn Đông Hưng và 7 cụm công nghiệp (CCN) Đông La, Nguyên Xá, Xuân Động, Đông Phong, Đô Lương, Mê Linh, Đông Các. Bên cạnh đó là các làng nghề truyền thống nổi bật như: làng Khâu nón, móc hộp xã Phú Lương; làng nghề may, thảm len xã Đông Sơn; làng nghề dũa thép xã Mê Linh; làng đa nghề tại xã Đông La; làng nghề nông sản, thực phẩm xã Nguyên Xá.

Các cơ sở, doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần Lam Sơn, Công ty TNHH Hoa Việt, Công ty Thương mại Hoàng Trọng, Công ty may Bình Minh, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty cổ phần hàng thể thao MXP, Công ty Đô Lương, Công ty gạch Sông Diêm… và các hoạt động dịch vụ nhà hàng, khách sạn, kinh doanh dịch vụ nằm rải rác trên địa bàn huyện.

Trong những năm qua, bên cạnh việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện thì tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hình thành các cụm dân cư tập trung làm gia tăng dân số cơ học, gia tăng chất thải gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, thách thức sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội, đặt ra cho huyện phải có giải pháp thiết thực giải quyết kịp thời vấn đề trên.

Nhiều mô hình thiết thực

Trước thực trạng trên, hàng năm, UBND tỉnh Thái Bình đã bố trí kinh phí hỗ trợ cho cấp xã thực hiện nhiệm vụ về BVMT và quản lý, xử lý chất thải theo quy định trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; UBND huyện Đông Hưng hỗ trợ phương tiện vận chuyển cho các xã, thị trấn nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ cụ thể về nội dung này, ông Phạm Văn Hoài, Trưởng Phòng TN&MT huyện Đông Hưng cho biết, hàng năm UBND huyện đều trích kinh phí từ ngân sách chi cho công tác BVMT, quản lý, xử lý chất thải; xây dựng chương trình, đề án, nhiệm vụ, giải pháp BVMT, quản lý chất thải; hoạt động thanh tra kiểm tra chấp hành pháp luật BVMT; tuyên truyền pháp luật BVMT… theo quy định.

Theo dự toán ngân sách 5 năm gần đây, từ 2019-2023, kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ hàng năm khoảng 776 triệu đồng chi cho các hoạt động BVMT, hỗ trợ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải… Tuy vậy, mức ngân sách trên không đủ để hỗ trợ phần xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu xử lý tập trung.

Đối với cấp xã, hàng năm UBND tỉnh phân bổ cho huyện để huyện hỗ trợ các địa phương tổng mức 980 triệu đồng/năm phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT ở địa phương (hỗ trợ 20 triệu đồng/xã, 240 triệu đồng/thị trấn).

Ngoài ra, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mức hỗ trợ 10.000đ/người/năm; phí vệ sinh môi trường hàng tháng do UBND cấp xã chỉ đạo thực hiện thu, cân đối theo Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình quy định về mức thu phí vệ sinh tối đa là 6.000đ/khẩu; đối với các hộ kinh doanh là 50.000đ-100.000đ/hộ/tháng; đối với các đơn vị hành chính 100.000đ/đơn vị/tháng; đối với nhà hàng, khách sạn, cơ sở y tế, công trình xây dựng là 150.000đ/đơn vị/tháng; đối với các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp… là 70.000đ- 120.000đ/tháng.

Theo Trưởng Phòng TN&MT huyện Đông Hưng, bên cạnh sự hỗ trợ của UBND tỉnh, các xã/ thị trấn trên địa bàn huyện cũng nhận được sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của UBND huyện Đông Hưng trong công tác BVMT. Cụ thể, UBND huyện đã hướng dẫn và hỗ trợ các xã, thị trấn phân loại rác tại nguồn; hỗ trợ xe rác, thùng đựng rác cũng như chế phẩm vệ sinh môi trường; phát quang các vị trí có thể gây ô nhiễm; trang bị bảo hộ lao động…

z4223819044738_f0520ab4d136f6f48f8b4062dc3a26e6(1).jpg
UBND huyện Đông Hưng có nhiều mô hình thiết thực về BVMT chú trọng giảm nghèo bền vững

Phòng TN&MT huyện Đông Hưng đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ được 50 xe chở rác đẩy tay, 270 thùng đựng rác, 40 máy cắt cỏ, 320 thùng chế phẩm sinh học xử lý rác và 250 bộ quần áo bảo hộ lao động cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đối với việc phân loại rác tại nguồn, UBND huyện hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thực hiện phân rác thải thành 2 loại gồm rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ. Các xã, thị trấn đã hỗ trợ dụng cụ như xô, nắp đậy cho người dân, nhất là hộ nghèo. Việc sử dụng rác thải hữu cơ để ủ làm phân đã giúp người dân hạn chế mua phân ở bên ngoài, từ đó tiết kiệm chi phí cho người dân. UBND huyện Đông Hưng đặt mục tiêu đến năm 2025, có 50% số hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Không chỉ giúp giảm gánh nặng chi phí cho người dân thông qua mô hình phân loại rác thải tại nguồn, UBND huyện còn khuyến khích các xã, thị trấn ưu tiên cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đảm nhận công việc thu gom rác sinh hoạt tại các hộ gia đình với mức lương từ 2,5- 4 triệu đồng/tháng và từ 5-6 triệu đồng/tháng đối với xử lý rác tại khu vực lò đốt rác.

Trưởng phòng Phạm Văn Hoài cho rằng, tất cả những mô hình hay chính sách hỗ trợ trên đã phần nào tạo thu nhập ổn định cho người dân, nhất là người nghèo, cũng như giảm chi phí mà người dân phải chi trả cho các vấn đề về môi trường.

Những mô hình, chính sách này đã tích cực góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Đông Hưng. Tính đến ngày 22/11/2022, tổng số hộ trên địa bàn huyện Đông Hưng là 90.709 hộ, trong đó số hộ nghèo là 1.975 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 2,16%, giảm 0,07% so với năm 2021; số hộ cận nghèo là 2.110 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,33%, giảm 0,19% so với năm 2021.

Ông Hoài mong muốn, trong tương lai khi các ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại, dịch vụ phát triển ở mức độ cao, cũng như xảy ra biến động về gia tăng dân số và đô thị hóa khiến chất lượng môi trường bị ảnh hưởng theo chiều hướng ô nhiễm, suy giảm, các mô hình hay, những chính sách BVMT gắn với xóa đói giảm nghèo sẽ ngày càng được nhân rộng để thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Đông Hưng nói chung và các xã, thị trấn nói riêng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích