Đóng góp tích cực của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%. Như vậy, khu vực dịch vụ là điểm sáng của nền kinh tế khi đóng góp chính vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ.
Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,02%, đóng góp 0,73 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,18%, đóng góp 0,30 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,94%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm.
Đóng góp tích cực của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm.
Doanh thu của các ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.398,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 356,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 314,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%.
Cùng với sự gia tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của cả nước có sự gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu dịch vụ du lịch có kim ngạch lớn nhất với gần 6 tỷ USD, chiếm đến 53,1% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ và tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ có xuất siêu dịch vụ du lịch với 1,1 tỷ USD đã góp phần hạn chế nhập siêu trong lĩnh vực dịch vụ.
Kết quả này là do lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục mới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 7,4 triệu lượt người, chiếm 83,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt gần 1,3 triệu lượt người, chiếm 14,3% và tăng 99,0%; bằng đường biển đạt 164,9 nghìn lượt người, chiếm 1,9% và tăng 199,5%. Xét theo thị trường, khách đến từ châu Á đạt 6,9 triệu lượt người, tăng 65,7% so với cùng kỳ năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 52,4%; khách đến từ châu Mỹ đạt 536,8 nghìn lượt người, tăng 13,4%; khách đến từ châu Úc đạt 266,6 nghìn lượt người, tăng 31,8%; khách đến từ châu Phi đạt 25,3 nghìn lượt người, tăng 104,4%.
Ở khu vực châu Á, Hàn Quốc và Trung Quốc là hai thị trường có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất, chiếm 47,2% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc đứng đầu với gần 2,3 triệu lượt khách, chiếm gần 25,8% và Trung Quốc với gần 1,9 triệu lượt khách, chiếm hơn 21,4%. Tiếp theo là Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản. Các thị trường này là động lực chính cho sự phục hồi khách quốc tế đến Việt Nam kể từ sau dịch Covid-19 được kiểm soát. Khách đến từ thị trường châu Âu cũng có sự tăng trưởng tích cực, trong đó khách đến từ Anh tăng 29,2%; từ Pháp tăng 37,1%; từ Đức tăng 32,0%; từ I-ta-li-a tăng 67,2%. Đây là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023.
Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế, du lịch nội địa cũng đạt được những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở lưu trú và lữ hành Việt Nam đã phục vụ hơn 66,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng doanh thu du lịch ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2023 .
Dự báo trong thời gian tới, các ngành dịch vụ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực bởi các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Nam Dương