Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ – Syria: Số người thiệt mạng đã lên tới 3.800

Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ – Syria: Số người thiệt mạng đã lên tới 3.800

Đại Phong –  Thứ ba, 07/02/2023 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Số người chết trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên 3.823, nhiều người vẫn kẹt dưới các đống đổ nát.

Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) thông báo ít nhất 2.379 người đã chết trong trận động đất ở tỉnh đông nam Kahramanmaras hôm 6/2, trong khi nước láng giềng Syria cũng ghi nhận 1.444 trường hợp thiệt mạng. Ngoài ra còn có hơn 14.000 người khác đã bị thương. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi đây là thảm họa lịch sử và là trận động đất tồi tệ nhất tấn công nước này kể từ năm 1939, và chính phủ đang làm tất cả những gì có thể.

Con số thương vong có thể tiếp tục tăng cao, do nhiều người còn kẹt dưới các đống đổ nát. Thời tiết lạnh và ẩm ướt tại khu vực cản trở các nỗ lực cứu hộ. Giới chức đã yêu cầu người dân rời khỏi các tòa nhà để đảm bảo an toàn trước nguy cơ có thêm dư chấn, bất chấp thời tiết khắc nghiệt.

AFAD trước đó cho biết động đất mạnh 7,4 độ xảy ra lúc 4h17 (8h17 giờ Hà Nội) ở quận Pazarcik, gần thành phố Kahramanmaras thuộc tỉnh cùng tên. Cơ quan Địa chất Mỹ (USGS) ước tính trận động đất mạnh 7,8 độ với một dư chấn mạnh 6,7 độ xảy ra sau đó 15 phút. Đây là một trong những trận động đất mạnh nhất xảy ra tại khu vực này trong gần một thế kỷ qua.

Các cơ quan địa chất Mỹ và châu Âu ghi nhận thêm một trận động đất mạnh 7,6-7,7 độ xảy ra gần thị trấn Ekinozu thuộc tỉnh Kahramanmaras chiều 6/2 với tâm chấn ở độ sâu 7 km. Chưa rõ mức độ thiệt hại và thương vong trong trận động đất này. Truyền thông nhà nước Syria cùng thời gian cho hay động đất xảy ra tại thủ đô Damascus ở tây nam đất nước.

tm-img-alt
Cảnh tượng tan hoang do động đất nhìn từ trên cao. Ảnh CNN

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các đội cứu hộ, phi cơ đến khu vực quanh thành phố Kahramanmaras và kêu gọi trợ giúp từ cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan viết trên Twitte: “Tôi xin gửi những lời cầu chúc tốt lành nhất đến những người dân bị ảnh hưởng bởi động đất. Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm vượt qua thảm họa này, với thiệt hại ít nhất có thể”.

Việc tìm kiếm cứu nạn gặp khó khăn

Kết nối internet kém và việc những con đường nối giữa một số thành phố bị hư hại đang cản trở nỗ lực đánh giá và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Thời tiết lạnh giá càng gây khó khăn thêm cho cuộc sống của hàng nghìn người đang rơi vào cảnh không nhà cửa và bị thương sau động đất, cũng như làm ảnh hưởng lớn tới công tác cứu hộ.

Nhiệt độ ở một số khu vực được dự báo giảm xuống mức gần như đóng băng vào ban đêm, làm trầm trọng thêm tình trạng của những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, và những người bị mất nhà cửa sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

tm-img-alt
Lực lượng cứu hộ và tình nguyện viên tìm kiếm các nạn nhân và người sống sót mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất mạnh ở làng Besnia, gần thị trấn Harim, tỉnh Idlib (Syria), giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 (Nguồn: AFP)

Cộng đồng quốc tế tích cực tham gia cứu trợ

Trước những những thông tin thiệt hại sau vụ động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Liên Hợp Quốc đã khẩn trương đánh giá nhu cầu hỗ trợ nhân đạo

Ngay tối 6/2, đoàn cứu hộ nhân đạo của Israel mang tên “Những cành ôliu” mang theo thuốc men, trang thiết bị y tế và cứu hộ đã lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ động đất sáng sớm cùng ngày.

Đoàn cứu hộ do Bộ Tư lệnh Mặt trận trong nước (HFC), một đơn vị trực thuộc Lực lượng Phòng vệ (quân đội) Israel, dẫn đầu; với các thành viên khác của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Riêng Đơn vị Cứu hộ Quốc gia của HFC đã huy động 150 thành viên, cả thường trực và dự bị. Nhiệm vụ của đoàn là tham gia cứu người bị nạn, cung cấp bản đồ các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, hỗ trợ và chăm sóc y tế cho các nạn nhân.

tm-img-alt
Một em bé được cứu ở Jandaris, Syria, ngày 6/2 (Nguồn: Reuters)

Công tác cứu hộ sẽ được tiến hành ngay sau khi đoàn đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, IDF cũng đang chuẩn bị để lắp đặt một bệnh viện dã chiến tại chỗ nếu cần. Trước đó cùng ngày, một đội tiền trạm phản ứng nhanh của Israel đã lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó tại Brussels, Bỉ đã quyết định cử ngay một đội y tế đến Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua nhóm B-Fast. Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cho biết nước này đang cung cấp một chiếc máy bay vận tải A400M để hỗ trợ hậu cần tại chỗ. Hội Chữ thập đỏ Bỉ đã thông báo sẽ giải ngân 200.000 euro trong quỹ viện trợ khẩn cấp để hỗ trợ nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Số tiền này sẽ được dùng để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết. Sofie De Jaeger, quan chức phụ trách hợp tác quốc tế, cho biết hàng viện trợ sẽ bao gồm thực phẩm, nước uống, bộ dụng cụ vệ sinh, vật dụng y tế, lều, giường, túi ngủ, chăn…

Thụy Điển, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu ngày 6/2 đã quyết định kích hoạt Phản ứng khủng hoảng chính trị kèm theo (IPCR) để điều phối các biện pháp hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vượt qua ảnh hưởng của trận động đất. IPCR tăng cường khả năng của EU trong việc đưa ra các quyết định nhanh chóng khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng lớn liên quan đòi hỏi phải có phản ứng ở cấp độ liên minh. Thông qua cơ chế này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu điều phối IPCR bằng cách tập hợp các tổ chức của EU, các quốc gia thành viên và các chủ thể quan trọng khác.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên hứng chịu động đất trên thế giới. Năm 1999, một trận động đất mạnh 7,6 độ xảy ra ở thành phố Izmit, đông nam Istanbul làm hơn 17.000 người thiệt mạng. Năm 2011, một trận động đất xảy ra ở thành phố miền đông Van làm hơn 500 người chết.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích