Dòng chảy cuộc sống

Nếu nhìn góc độ cuộc sống, đặc biệt tại các đô thị và ngay cả các miền quê, “nhịp sống” vẫn cứ vận hành một cách như nó vốn có. Ngay tại Hà Nội, khi màn đêm buông xuống, từ nội thành đến ngoại thành, từ phố lớn đến phố bé, ngõ ngách hàng quán vẫn tập nập. Các quán nhậu, nhà hàng vẫn luôn sáng đèn, quán nào cũng đông đúc. Sang hơn một chút, các sân golf xung quanh Hà Nội và các tỉnh vẫn đông khách cả tuần. Thứ bảy, chủ nhật những “dòng xe” nối đuôi nhau lên sân golf, không đặt trước sẽ không có chỗ vì khách chơi quá đông. Các cơ sở thẩm mỹ viện, spa làm đẹp cho chị em chẳng nơi nào vắng khách… Nói ngắn gọn, nhìn dòng chảy của thành phố, khó ai nhận ra nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Hà Nội có nhiều tiềm năng để khai thác kinh tế đêm một cách hiệu quả, mang lại sức bật lớn cho Thủ đô.
Ảnh minh họa.

Còn về các miền quê, ngoại trừ những vùng hẻo lánh, vốn lâu nay vẫn thường xuyên khó khăn, còn lại, đâu đâu cũng nhà cửa khang trang. Không hai ba tầng thì cũng xây mái bằng; đường làng, ngõ xóm đều rải nhựa, bê tông hóa, đèn điện sáng trưng. Quê tôi vùng ven biển Bắc Trung Bộ là ví dụ. Xưa nghèo thế, nhưng nay đời sống đã đổi thay. Về quê giờ đây, đa số nhà cao cửa rộng. 10 năm trước, quán hàng ăn sáng, phong trào thể dục – thể thao; văn hóa – văn nghệ là thứ xa xỉ thì nay lại trở thành những nhu cầu không thể thiếu.

Về lĩnh vực đầu tư, các dự án hàng trăm triệu USD vẫn được các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Thậm chí, những tập đoàn công nghệ khổng lồ thế giới cũng đang lên kế hoạch đầu tư vào.

Vậy, vấn đề mảng xám khó khăn đang nằm ở đâu mà nhìn bề ngoài dòng chảy kinh tế không nhìn thấy rõ nét. Có lẽ vẫn tập trung vào khối doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, chủ yếu các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp trong các lĩnh vực gia công cho đối tác nước ngoài, vốn sử dụng nhiều nhân công lao động. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn có sức cạnh tranh yếu; đã thế, vốn đầu tư công còn giải ngân chậm… Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc làm, thu nhập của một bộ phận khá lớn người lao động, người dân bị ảnh hưởng. Rất nhiều người lao động đang phải vật lộn với câu chuyện “cơm áo, gạo tiền”; chuyện chi tiêu gia đình, học hành con cái và bao vấn đề cuộc sống khác.

Nhìn lại gam màu bức tranh kinh tế – xã hội và dòng chảy cuộc sống thực tại cho thấy, dù kinh tế tăng trưởng cao hay tăng trưởng thấp thì sự chênh lệch về thu nhập trong xã hội vẫn còn lớn. Đây chính là vấn đề thời sự của thời sự cần phải có phương pháp tối ưu trong điều hành kinh tế để cụ thể hóa mục tiêu “thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo và thu nhập; tăng trưởng nhanh, bền vững” như Nghị quyết của Đảng đề ra.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích