Đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng
Các giải pháp hỗ trợ cần sớm được triển khai
Tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch đang được áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ảnh hưởng thế nào đến những hoạt động kinh tế? đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng khốc liệt đến nền kinh tế vĩ mô.
Tại Tọa đàm báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự nguy hiểm của vi rút biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, mạnh trong thời gian rất ngắn và số người nhiễm, diễn biến nặng lên một cách khủng khiếp đã và đang đe dọa sức chịu đựng của hệ thống y tế.
Cần có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. |
Theo các nhà hoạch định chính sách, dịch bệnh lần này đã tấn công vào các trung tâm kinh tế sản xuất công nghiệp, những tỉnh thành sở hữu các khu công nghiệp quan trọng, đóng vai trò là mấu chốt trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị như Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau khi đẩy lùi được dịch bệnh ở những địa phương này, thì dịch lại tấn công rất mạnh vào đầu tàu kinh tế của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh – nơi đóng góp 1/3 ngân sách cho cả nước, đóng vai trò là “đầu kéo” kinh tế. Khi “đầu kéo” bị tấn công dữ dội thì chắc chắn sẽ đi chậm lại, dẫn đến “đoàn tàu” chậm lại.
“Chống dịch nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo các mục tiêu kinh tế, nhất là đảm bảo kinh tế để thực hiện các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho lao động, đặc biệt là những người yếu thế. Tuy nhiên, chưa thấy giải pháp vĩ mô nào cụ thể để đáp ứng những mục tiêu đó. Thứ nhất, đó là vốn đầu tư công. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Chính phủ nêu rất rõ rằng “giải ngân đầu tư công rất chậm”, nửa năm mới giải ngân chưa được 1/3 vốn đầu tư công. Thứ 2 là xuất khẩu cũng không đạt được mục tiêu đề ra, một phần là do chúng ta phụ thuộc vào thị trường đối tác, một phần vẫn còn nhập siêu cho nên vai trò của xuất khẩu cũng rất mờ nhạt. Thứ 3, tiêu dùng nội địa, đặc biệt là các đầu tư tư nhân đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo đưa ra 3 điểm khó khăn trong các giải pháp động lực phát triển kinh tế.
Cùng với đó, tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, việc phục hồi cũng không đồng đều giữa các khối doanh nghiệp. Trong đó, có những lĩnh vực ngành nghề cực kỳ khó khăn như vận tải, kho bãi; du lịch, lưu trú, ăn uống; giáo dục đào tạo; y tế, bao gồm cả bệnh nhân đi điều trị. Cùng với đó, tuy nhìn thấy lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng, nhưng được dự đoán sẽ tăng khả năng nợ xấu, dẫn đến lợi nhuận từ nay đến cuối năm không được sáng sủa…
Kiên định với mục tiêu kép
Vậy, câu hỏi đặt ra là chiến lược thích ứng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đạt được các mục tiêu là gì? Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, ngày nay chiến lược vắc xin trở thành một cụm từ được nhắc đến rất nhiều, như “miễn dịch cộng đồng”, “sống chung với dịch”, như một “phao cứu sinh”.
Tiếp cận dưới góc độ thống kê, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo phân tích: “Cứ tính bình quân thì hiệu lực của vắc xin là 90%. Nếu như chúng ta đạt được điều mà Chính phủ đang cố gắng là cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, như vậy, vắc xin sẽ có hiệu lực trên 90% của 70% dân số này, còn 10% của những người đã được tiêm vắc xin cộng với lượng dân số chưa được tiêm vắc xin thì khả năng của nhóm người này bị lây bệnh, phát bệnh, lây lan cũng sẽ lên tới hàng trăm ngàn người. Nếu như chúng ta tin rằng, khi tiêm đủ vắc xin 2 liều, thực hiện được chiến lược vắc xin, thì kinh tế sẽ quay trở lại trạng thái bình thường như trước đây, thì tôi cho rằng rất khó. Và tôi cho rằng, thuốc đặc trị để chữa bệnh mới thực sự tạo ra một tỷ lệ ổn định chắc chắn cho nền kinh tế. Vì thế, chúng ta nên có những kế hoạch cho đầu tư, chi tiêu của các cá nhân, tổ chức”.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng nhấn mạnh, đó là tại sao năm 2020 mặc dù kinh tế thế giới nhuộm “sắc đỏ” nhưng Việt Nam vẫn là một đốm xanh ít ỏi của thế giới với tăng trưởng GDP xấp xỉ 3%. Bên cạnh những quyết sách về chống dịch, thực hiện mục tiêu kép, một trong những yếu tố quyết định đó là sức chịu đựng, sự linh hoạt của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân khá lớn. Năm 2020, doanh nghiệp tư nhân đã làm rất nhiều việc thể hiện sự linh hoạt, tính chịu đựng cao để đảm bảo duy trì sản xuất, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, đảm bảo nguồn vốn ngân hàng để thúc đẩy các nền kinh tế. Tuy nhiên sau một năm những nguồn tích lũy, tiết kiệm mà họ có được trong nhiều năm hoạt động tốt đẹp đến nay đã kiệt quệ, nhất là trong tình hình hiện nay, diễn biến dịch bệnh khốc liệt hơn trước rất nhiều. Cho nên sự suy yếu của doanh nghiệp hiện nay là một khó khăn rất lớn cho nền kinh tế.
Báo cáo gần đây cho thấy sự rút lui của doanh nghiệp khỏi thị trường tăng lên 20-30%, và điều đáng nói là có nhiều doanh nghiệp lớn, quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động trong số này. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó khăn do gia tăng giá cả nguyên liệu đầu vào, gia tăng giá xăng dầu và xu hướng lạm phát gia tăng… Điều này sẽ truyền dẫn vào khu vực ngân hàng, gia tăng rủi ro về nợ xấu, lạm phát…
“Chứng khoán tăng trưởng rất nóng nhưng đã giảm rất mạnh sau khi tăng qua ngưỡng. Tuy nhiên, tôi không tìm thấy nguyên nhân chứng khoán giảm. Nếu nói rằng chứng khoán giảm do Covid-19 thì tại sao trong tháng 6, khi nền kinh tế đứng trước sự gia tăng của dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, thì chứng khoán tăng mạnh? Chứng khoán tăng giảm thất thường không có lý do rõ rệt. Nền kinh tế thực đang rất ốm yếu, doanh nghiệp đang kiệt sức, thị trường chứng khoán trồi sụt thất thường tạo ra một sự rủi ro tiềm ẩn rất nguy hại. Xử lý những vấn đề này sẽ cấp bách hơn việc theo đuổi một chỉ số GDP chung chung”, ông Bảo nhấn mạnh.
Đồng tình với phân tích của ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ông Cấn Văn Lực cũng khẳng định, Việt Nam vẫn cần kiên định với mục tiêu kép, tuy nhiên phải tùy từng địa phương, từng thời điểm, địa điểm để ưu tiên thực hiện mục tiêu kép, phải có phương án tối ưu về thực hiện mục tiêu.
Cùng với đó, những gói hỗ trợ cần phải được thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn, (như gói 26 nghìn tỉ). Nhưng cũng cần có một gói hỗ trợ khác cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tốc độ nhanh hơn, mạnh hơn nữa, đặc biệt là phải có trọng tâm, trọng điểm cho một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương. Với gói này, Chính phủ phải bỏ ngân sách, tuy không quá lớn nhưng tốt cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Trong bối cảnh hiện nay, cần tìm kiếm những động lực bổ sung, thay thế, liên quan đến xuất khẩu, thị trường, vốn đầu tư công, kinh tế tư nhân, hộ gia đình, kinh tế số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiểm soát lạm phát, không chủ quan với lạm phát nhưng cũng không làm thái quá, bóp nghẹt sản xuất kinh doanh”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô