Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN

Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN

Giai đoạn 2019-2023, Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã triển khai thực hiện 1.970 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSH lần thứ XIII năm 2023, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã khẳng định, ĐBSH là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của vùng Bắc Bộ, là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

tm-img-alt
Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Ảnh: ST

Cũng tại Hội nghị nói trên, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) Chu Thúc Đạt cho biết, trong giai đoạn 2019-2023, Vùng ĐBSH đã triển khai thực hiện 1.970 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố (bao gồm cả nhiệm vụ chuyển tiếp và nhiệm vụ mới). Các nhiệm vụ tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Các địa phương trong vùng ĐBSH đã ban hành 235 văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… Hoạt động thẩm định công nghệ trong vùng tiếp tục được quan tâm, chú trọng, góp phần ngăn chặn việc nhập khẩu và đưa vào hoạt động các công nghệ lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Các địa phương trong vùng ĐBSH đã có 3.096 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 6 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; 172 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; 58 sáng chế, giải pháp hữu ích. Hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở địa phương được tăng cường về hiệu lực và hiệu quả, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đáp ứng kịp tốc độ chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý, phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của các địa phương được thực hiện nghiêm túc, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất kinh doanh…

Để khắc phục khó khăn và tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh những nội dung cần triển khai quyết liệt nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động KH,CN&ĐMST ở các địa phương vùng ĐBSH trong thời gian tới gồm: 

– Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư, tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. 

– Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH&CN cho vùng; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

– Tăng cường tiềm lực KH&CN ở một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế, thực sự trở thành động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Bảo đảm chi cho KH,CN&ĐMST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm.

– Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vùng, thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ số giữ vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò kiến tạo môi trường thể chế.

– Phát triển doanh nghiệp KH&CN, phấn đấu số doanh nghiệp KH&CN tăng gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động.

– Triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) tại các địa phương trong vùng ĐBSH.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích