Đồng bằng sông Cửu Long nắm bắt xu thế mới của kinh tế thế giới
Để thực hiện mục tiêu phát triển của quốc gia cũng như các địa phương, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải kịp thời, nhanh nhạy nắm bắt xu thế mới của thế giới.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN) |
Ngày 23/8, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức Tọa đàm theo hình thức trực tiếp, trực tuyến về những diễn biến, xu hướng mới của kinh tế thế giới tác động đến sản xuất, xuất khẩu và thu hút đầu tư của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tham dự có đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), chuyên gia, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại tọa đàm, đại biểu đã được lãnh đạo Bộ Ngoại giao, bộ, ngành Trung ương, chuyên gia chia sẻ về tình hình kinh tế thế giới, các xu hướng, tiêu chuẩn mới liên quan đến xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư; thảo luận chính sách phát triển chung cho cả khu vực nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Minh Hằng – Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế-Bộ Ngoại giao, tọa đàm là cơ hội để các tỉnh trong khu vực cùng trao đổi, nắm bắt xu thế mới của kinh tế thế giới và quản trị kinh tế toàn cầu, đặc biệt quy định của EU; đánh giá tác động của những xu thế này, đặc biệt trong sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, thu hút FDI của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó, đề xuất biện pháp thích ứng xu thế mới trong trước mắt và lâu dài để phát triển nhanh, bền vững hơn.
Bà Nguyễn Minh Hằng thông tin thêm EU đi tiên phong trong áp dụng toàn diện nhất các tiêu chuẩn mới, ban hành nhiều biện pháp sẽ đi vào thực thi trong vòng 2-3 năm tới.
Bên cạnh đó, các nước phát triển đẩy mạnh tập hợp lực lượng và hợp tác quốc tế trong định hình tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu, theo hướng gắn với tiêu chí giảm phát thải các-bon, phát triển bền vững…
Quy định, tiêu chuẩn mới này sẽ tác động sâu rộng đến sản xuất, xuất khẩu, đầu tư của các địa phương Việt Nam, tạo ra một số thách thức trong trước mắt và dài hạn.
Để thực hiện mục tiêu phát triển của quốc gia cũng như các địa phương, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải kịp thời, nhanh nhạy nắm bắt xu thế mới của thế giới; từ đó, xây dựng các chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức có ý nghĩa quyết định.
Tầm nhìn thế giới và thay đổi để thích ứng là những điều các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp cần lưu tâm trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bến Tre nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, xuất khẩu nông sản chịu sự cạnh tranh gay gắt, chi phí vận chuyển tăng cao, hạn chế về nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển của vùng…
Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN) |
Để khắc phục hạn chế này, rất cần sự liên kết cùng phát triển bền vững của cả khu vực như chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng logistics đảm bảo liên kết vùng và các khu vực khác, định hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Ngọc Tam, qua buổi tọa đàm, các địa phương trong khu vực nắm bắt được xu thế hình thành tiêu chuẩn mới về định giá carbon, bảo đảm tính bền vững và hành xử kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại, đầu tư quốc tế.
Một số quy định mới tác động đến sản xuất, xuất khẩu, đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như những chia sẻ và khuyến nghị chính sách cho chính quyền, doanh nghiệp các địa phương từ lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp, Hiệp hội, doanh nghiệp châu Âu.
Đây là cơ hội tốt nhằm góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ sẵn có; đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế về kinh tế và đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long với đối tác châu Âu, giúp Bến Tre tăng cường hiểu biết, tiếp cận kinh nghiệm phát triển của các nước, tranh thủ gặp gỡ, giao lưu xúc tiến thương mại, đầu tư với doanh nghiệp châu Âu.
Bến Tre có thế mạnh về các sản phẩm nông sản, thủy sản. Nhiều sản phẩm của Bến Tre như cá tra, nghêu, tôm, sản phẩm từ dừa và trái cây được khách hàng Trung Quốc, EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông… ưa chuộng.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2022 đạt 1,51 tỷ USD, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Tỉnh Bến Tre mong muốn thông qua buổi tọa đàm, các doanh nghiệp trong tỉnh được cập nhật quy định mới tác động đến sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và nhu cầu nhập khẩu của các nước, từ đó tiếp cận những thị trường lớn trên thế giới…/.
Nguồn: Báo xây dựng