Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng đến mục tiêu 46 triệu lượt du khách
(Xây dựng) – Ngày 23/2, tại thành phố Trà Vinh, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thông tin cho biết năm 2022, ĐBSCL đã đón 37.504.427 lượt du khách, tăng 238,45% so với cùng kỳ năm 2021; Doanh thu ngành Du lịch vùng ĐBSCL ước đạt hơn 32.087 tỷ đồng, tăng 234,46% so với cùng kỳ năm 2021. Mục tiêu năm 2023, ĐBSCL sẽ đón 46 triệu lượt du khách.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội ĐBSCL phát biểu tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL báo cáo kết quả hoạt động năm 2022, cho biết: Toàn ngành Du lịch ĐBSCL đã nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác du lịch “trong trạng thái bình thường mới” và đạt những kết quả khả quan đáng khích lệ. Trong 02 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến hoạt động du lịch nhưng những tháng tiếp theo đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Cuối năm 2022 tổng số khách đến ĐBSCL là 37.504.427 lượt, tăng 238,45% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế 526.100 lượt, tăng 1.613,51% so cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch ĐBSCL đến cuối năm 2022 ước đạt hơn 32.078 tỷ đồng, tăng 234,46% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong năm qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã nỗ lực phối hợp, hỗ trợ và tham gia cùng 02 cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Đông và phía Tây ĐBSCL trong các hoạt động liên kết nội cụm, toàn vùng và với Thành phố Hồ Chí Minh, như: tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2022; Hội chợ Du lịch quốc tế-ITE Thành phố Hồ Chí Minh 2022; Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh 2022; tham dự sự kiện Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; Hội nghị Liên kết-Phát triển bền vững giữa Hiệp hội Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu và Hiệp hội Du lịch 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tại Bến Tre; Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX năm 2022 tại Cần Thơ; Lễ hội Văn hóa-Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V năm 2022 tại xã Đông Hòa Hiệp, Cái Bè, Tiền Giang… Tổ chức khảo sát, thẩm định và bình chọn 36 đểm “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2022”. Đồng thời; tổ chức Họp mặt “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL lần thứ I-năm 2022, để tôn vinh và giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các điểm du lịch với nhau trong việc xây dựng sản phẩm và phát triển du lịch.
Quang cảnh Hội nghị. |
Năm 2022, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cùng với các địa phương trong vùng đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch vùng ĐBSCL. Đó là cùng với các địa phương trong vùng tham gia các đoàn Famtrip đến từ tỉnh, thành trọng điểm du lịch trong cả nước, đồng thời giới thiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến ĐBSCL. Đó là khảo sát, xúc tiến quảng bá và khôi phục du lịch sinh thái Cần Thơ, trong giai đoạn “bình thường mới”; Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Ninh Thuận; Chương trình quảng bá, xúc tiến “Du lịch vùng xanh xứ dừa” tỉnh Bến Tre; Lễ hội sen Đồng Tháp và Hội thảo về nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, tại Đồng Tháp; Tọa đàm “An Giang-Sắc màu vùng biên” Caravan Long Xuyên-Thoại Sơn-Tri Tôn-Tịnh Biên-Châu Đốc, tại Châu Đốc, An Giang; tham gia đoàn Famtrip, khảo sát, giới thiệu tuyến du lịch tỉnh Trà Vinh, kết hợp tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” và ký kết liên kết phát triển du lịch ĐBSCL tại Trà Vinh; Ngày hội Văn hóa-Du lịch tỉnh Bạc Liêu năm 2022, tại tình Bạc Liêu…
Năm 2023, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đề ra mục tiêu là: Tổng lượt khách đến 46 triệu; Tổng doanh thu 45 ngàn tỷ đồng. Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL muốn đạt mục tiêu này, ngành Du lịch ĐBSCL cần: Thực hiện liên kết – hợp tác. Hợp tác và hành động sẽ là động lực, là đòn bẩy để phát triển du lịch. Đó là thực hiện tốt các nội dung đã ký kết ngày 28/2/2022, giữa 13 Sở quản lý Nhà nước về du lịch ĐBSCL, về phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết – hợp tác giữa 13 tỉnh, thành ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh: Hợp tác về việc trao đổi thông tin; Hợp tác về việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; Hợp tác về việc xúc tiến, quảng bá; Hợp tác về việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh. |
Đồng thời tăng cường quáng bá, xúc tiến du lịch ĐBSCL: tại nước ngoài (Nhật Bản); các vùng du lịch trọng điểm trong nước như: Phối hợp với An Giang đi Đông Bắc, Tây Bắc, Phối hợp với Cần Thơ đi Tây Nguyên; Phối hợp với Trà Vinh đi Miền Trung; Tăng cường giới thiệu, quảng bá du lịch thông qua website và các mang xã hội (Face book, zalo…); Thông qua chuyển đổi số – công nghệ số…
Song song đó, tiếp tục xây dụng và phát triển các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. Đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Xây dựng sản phẩm du lịch mới và làm mới sản phẩm du lịch hiện có. Đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết – hợp tác; tăng cường công tác xúc tiến – quảng bá; hết sức quan tâm công tác đào tạo – bồi dưỡng nguồn nhân lực. Phấn đấu xây dựng các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” thực sự là điểm đến: An toàn, thân thiện và chất lượng…
Nguồn: Báo xây dựng