Đồng bằng sông Cửu Long có 43 Điểm du lịch tiêu biểu
(Xây dựng) – Ngày 24/9, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Họp mặt “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL lần thứ I – năm 2022”. Theo đó, năm 2022 Hiệp hội đã bình chọn thêm 05 điểm mới, nâng tổng số lên 43 Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường phát biểu tại Họp mặt “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL lần thứ I năm 2022. |
Tại buổi họp mặt, ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thông tin cho biết, từ giữa năm 2008 (sau Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch ĐBSCL) Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã xây dựng tiêu chí bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”.
Từ năm 2009-2011, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã bình chọn được 09 điểm. Đến năm 2015, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL bình chọn được 31 Điểm du lịch tiêu biểu gồm: An Giang 03 điểm, Bạc Liêu 08 điểm, Bến Tre 01 điểm, Cà Mau 02 điểm, Cần Thơ 04 điểm, Đồng Tháp 02 điểm, Kiên Giang 05 điểm, Sóc Trăng 02 điểm, Tiền Giang 01 điểm, Vĩnh Long 3 điểm.
Đến nay, toàn vùng ĐBSCL hiện có 43 điểm “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” (An Giang 03 điểm, Bạc Liêu 10 điểm, Bến Tre 05 điểm, Cần Thơ 07 điểm, Đồng Tháp 05 điểm, Kiên Giang 03 điểm, Sóc Trăng 01 điểm, Tiền Giang 01 điểm, Trà Vinh 02 điểm, Vĩnh Long 06 điểm); trong đó có 36 điểm vừa được khảo sát, thẩm định, bình chọn là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2022 (trong đó tái công nhận 31 điểm, công nhận mới 05 điểm).
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL trao chứng nhận “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. |
Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL là nơi có tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa được đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch nổi bật, đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, có khả năng thu hút khách đến ăn uống, tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… đó là các điểm du lịch tổng hợp, cơ sở lưu trú, di tích lịch sử văn hóa, đình chùa, công trình kiến trúc nghệ thuật, các khu, điểm du lịch sinh thái, vườn quốc gia, làng nghề truyền thống, cơ sở chế biến ẩm thực… trên địa bàn các tỉnh, thành ĐBSCL.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường cho rằng: “Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá với mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. Quảng bá bằng các hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng; Giới thiệu trong các chuyến đi xúc tiến quảng bá du lịch; Quảng bá trên các mạng xã hội. Các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” được khảo sát và bình chọn theo tiêu chí, theo định kỳ (03 năm khảo sát 01 lần, theo tiêu chí…); Giúp cho du khách thuận tiện trong việc lựa chọn điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng; Các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng thương hiệu du lịch của vùng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ phối hợp với các Sở quản lý du lịch, tiếp tục quy hoạch, xây dựng và phát triển các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” thời gian tới, nhất là các địa phương chưa có “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. Mặt khác, các “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” cần phát triển cả về số lượng và chất lượng. Do đó, chúng ta phải hết sức chú trọng việc xây dựng sản phẩm du lịch mới và làm mới sản phẩm du lịch hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách trong giai đoạn mới…”.
Mũi Nai (Hà Tiên, Kiên Giang) – Một trong những điểm “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. |
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thông tin, ước tính 9 tháng đầu năm 2022 tổng số khách đến vùng ĐBSCL đạt 32 triệu lượt, chủ yếu là khách trong nước, tăng 68,24% so cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế còn thấp, ước chỉ đạt 190 ngàn lượt, bằng 7,23% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu du lịch ĐBSCL trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 23.800 tỷ đồng, tăng 72,05% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: Báo xây dựng