Đông Anh (Hà Nội): Dự án xong gần một thập kỷ, người dân vẫn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm

(Xây dựng) – Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu cứu của 23 hộ gia đình thuộc đội 9, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) về việc bị Nhà nước thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, phục vụ dự án đầu tư xây dựng trường THPT Bắc Thăng Long năm 2008, dù đủ điều kiện để nhận chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo các Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội nhưng cho đến nay, UBND huyện Đông Anh vẫn chưa chi trả chế độ hợp pháp dẫn đến khiếu kiện nhiều năm, khiến các hộ gia đình tại đây chưa thể ổn định cuộc sống.

dong anh ha noi du an xong gan mot thap ky nguoi dan van chua duoc huong che do ho tro chuyen doi nghe nghiep va tao viec lam
Hơn chục năm người dân đi đòi quyền lợi chính đáng, nhưng không được giải quyết thoả đáng

Chính quyền có “quên” thực hiện nghĩa vụ với người dân?

Theo đó, 23 hộ gia đình xã viên đội 9, thôn Hậu Dưỡng đã giao đất nông nghiệp cho UBND huyện Đông Anh để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường THPT Bắc Thăng Long theo Quyết định 1853/QĐ-UBND ngày 18/5/2008 của UBND Thành phố Hà Nội và Quyết định số 513/2008/ QĐ-UBND ngày 13/10/2008 của UBND huyện Đông Anh.

Căn cứ theo Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND ngày 06/9/2008 và Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND Thành phố Hà Nội về chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp thì 23 hộ dân trên bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, qua đó, đủ kiều kiện để nhận chế độ hỗ trợ bằng đất ở, nhà chung cư hoặc bằng tiền.

dong anh ha noi du an xong gan mot thap ky nguoi dan van chua duoc huong che do ho tro chuyen doi nghe nghiep va tao viec lam
Người dân đặt câu hỏi, căn cứ vào đâu huyện không cho dân hướng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc?

Theo tìm hiểu, tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án trên, cả 23 hộ dân đều chưa có kết quả rà soát điều kiện để lập danh sách xét giao đất ở, dịch vụ theo quy định của UBND xã Kim Chung tại thời điểm phê duyệt phương án giai đoạn 2008-2009 thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ không phê duyệt nội dung giao đất và không có thông báo ghi nhận nợ chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho 23 hộ dân mất đất của huyện Đông Anh, cũng như chưa có ý kiến chấp thuận UBND Thành phố Hà Nội tại Văn bản số 6027/UBND-TNMT ngày 03/8/2010 và Thông báo số 49/TB-UBND ngày 15/03/2012.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, luật sư Hoàng Hữu Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Sơn Hoàng và cộng sự biết: “Theo Điều 40 tại Quyết định 18/2008 của UBND Thành phố Hà Nội: “Trường hợp khi thu hồi đất nông nghiệp mà chủ đầu tư chưa bố trí được quỹ nhà ở, đất ở thì UBND cấp huyện ghi nhận diện tích đất ở và nhà ở căn hộ sẽ giao bán cho các hộ gia đình, cá nhân. Thời gian giao đất hoặc bán nhà ở căn hộ cho các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất là 03 năm kể từ khi các hộ gia đình, cá nhân bàn giao diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi”.

Sau đó, tại Báo cáo số 128/BC-UBND ngày 15/08/2019 và 128/BC-UBND ngày 09/09/2020 của UBND xã Kim Chung, Báo cáo số 225/BC-TTQĐ ngày 08/09/2020 của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh, UBND huyện Đông Anh mới có kết quả rà soát giải quyết chế độ chính sách. Vậy là quá hạn 9 năm so với quy định, UBND huyện Đông Anh mới có kết quả rà soát giải quyết chế độ chính sách”.

Luật sư Hữu Sơn cho rằng: “Sau khi các hộ gia đình giao diện tích để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường THPT Bắc Thăng Long, huyện và chủ đầu tư dường như “quên” mất nghĩa vụ của chính quyền trong việc thực hiện quyền lợi hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật”.

Chia sẻ với phóng viên, một xã viên trong 23 hộ gia đình nêu trên bức xúc: “Sự chậm trễ trong rà soát điều kiện để lập danh sách xét giao đất ở, dịch vụ là lỗi từ phía UBND huyện Đông Anh hay là lỗi của chúng tôi? Thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện dự án từ năm 2009 mà đến năm 2020 mới có báo cáo rà soát thì có đảm bảo minh bạch, khách quan cho người dân hay không?”.

Liệu có công bằng?

Từ năm 2006 đến năm 2015, các hộ gia đình tại xã Kim Chung liên tục bị Nhà nước thu hồi đất để phục vụ 5 dự án xã hội, bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào năm 2006; Dự án xây dựng khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, năm 2006; Dự án Đầu tư Xây dựng trường THPT Bắc Thăng Long năm 2008; Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương năm 2012; Dự án xây dựng nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp năm 2015.

Điều đáng nói, trong dự án Đầu tư xây dựng trường THPT Bắc Thăng Long năm 2008, một số hộ gia đình khác cùng thôn cũng bị thu hồi trên 30% diện tích đất đã được UBND huyện Đông Anh và chủ đầu tư chi trả chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 80m2 đất ở. Thế nhưng, riêng đối với 23 hộ dân đội 9 xã Kim Chung đến nay vẫn chưa được hưởng.

Vì quá bức xúc, nhiều lần, người dân đã tìm đến UBND huyện Đông Anh để tìm hiểu lý do tại sao, trong dự án Đầu tư xây dựng trường THPT Bắc Thăng Long năm 2008, dù đã bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp, người dân lại không được hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. Ngày 02/06/2020 UBND huyện Đông Anh có Công văn trả lời số 1239/UBND-TNMT và Quyết định số 5831/QĐ-CTUB ngày 11/09/2020 của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, theo đó, một số công dân Đội 9 đã nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 05 lần giá đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất tại dự án Xây dựng Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị mới Kim Chung nên không thuộc đối tượng xem xét hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng hình thức giao 80m2 đất ở.

Chia sẻ với phóng viên, một người dân có đất bị thu hồi cho biết: “Chúng tôi không được tham gia ý kiến về việc nhận 5 lần giá đất nông nghiệp thì không được hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm hay nhận 3,5 lần giá đất nông nghiệp và vẫn được nhận chế hộ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. UBND huyện Đông Anh đã tự ý lập phương án và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ nhận 5 lần giá đất nông nghiệp mà không thông qua lấy ý kiến của nhân dân. Việc làm thiếu minh bạch này của UBND huyện Đông Anh và chủ đầu tư dự án đã gây mất dân chủ, công bằng xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của 23 hộ gia đình chúng tôi”.

Người dân chia sẻ thêm: “Đối với bà con xã viên đội 9, chúng tôi luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự công bằng của xã hội trong việc thực thi chế độ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật. Mỗi khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất để làm các dự án xã hội, chúng tôi đều sẵn sàng giao đất với hy vọng các dự án mới sẽ góp phần làm giàu đẹp thêm cho quê hương, đất nước. Chúng tôi là những người yếu thế toàn phụ nữ thân cô thế cô, theo khiếu kiện rất vất vả, bây giờ chúng tôi cũng không biết trông cậy vào đâu. Kính mong các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi và lấy lại sự công bằng cho xã viên chúng tôi”.

Qua đó, dư luận đặt câu hỏi có hay không việc thiếu minh bạch trong lập và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ của UBND huyện Đông Anh, khiến 23 hộ gia đình xã viên đội 9, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung không được hưởng quyền lợi chính đáng? Có hay không việc thiếu công bằng khi người được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm vằng hình thức giao 80m2 đất ở, người thì không được. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, các cấp chính quyền vào cuộc, kiểm tra sớm trả lời rõ ràng để nhận được sự đồng thuận từ nhân dân.

Được biết, 8h00 ngày 4/8/2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án Hành chính giữa người khởi kiện – ông Trần Văn Toản và người bị kiện – UBND huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội đánh giá kỹ càng các chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan, qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân trong vụ án này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích