Đông Anh (Hà Nội): Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tồn tại, bất cập tại khu nhà ở công nhân?

(Xây dựng) – Liên quan đến nội dung Báo điện tử Xây dựng phản ánh về thực trạng nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội), đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà ở xã hội thừa nhận 1 số tồn tại, bất cập tại khu nhà ở công nhân này. Tuy nhiên, theo 2 vị đại diện này do quy trình, thủ tục quản lý, vận hành khá phức tạp nên việc khắc phục, sửa chữa chưa kịp thời.

dong anh ha noi ai se chiu trach nhiem cho nhung ton tai bat cap tai khu nha o cong nhan
Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Thăng Long nhiều bất cập tồn tại, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Sau bài phản ánh “Đông Anh (Hà Nội): Nhiều bất cập tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Thăng Long” thông tin về tình trạng xuống cấp trầm trọng, cho thuê không đúng mục đích, không đúng đối tượng, phải chi phí “lót tay” để được thuê,… tại khu nhà ở công nhân thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với ông Bùi Quốc Dũng – Trưởng Phòng Quản lý nhà ở xã hội và tái định cư Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (gọi tắt là Công ty) và bà Lê Thị Minh Hường – Quyền Giám đốc Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà ở xã hội (gọi tắt là Xí nghiệp).

Trả lời những nội dung mà người dân phản ánh đến Báo điện tử Xây dựng, ông Bùi Quốc Dũng thông tin: Về vấn đế liên quan đến khoản chi phí “lót tay” thì ông Dũng khẳng định không có chuyện đó, Công ty sẽ cho kiểm tra ngay, nếu phát hiện hoặc người dân có bằng chứng Công ty sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Các đối tượng được thuê nhà ở tại khu nhà ở Kim Chung đều là công nhân, hoặc gia đình có người làm công nhân đang làm việc trên địa bàn. Tuy nhiên, khi chúng tôi trao đổi thông tin phản ánh từ người dân về 1 số gia đình không phải là công nhân hiện vẫn đang ở tại 1 số căn hộ trong khu vực này thì ông Dũng thừa nhận là có thể có 1 số trường hợp do có người thân, bạn bè là công nhân thuê rồi cho mượn, cho thuê lại, cho người không đúng đối tượng.

Với nội dung giá cho thuê tăng lên khoảng 30% đúng thời gian dịch bệnh Covid-19, đại diện Công ty và Xí nghiệp quản lý thì cho biết, theo quy định cứ 5 năm tăng giá 1 lần, vì vậy đến thời điểm tăng Công ty vẫn phải thực hiện và Xí nghiệp có dán thông báo ở bảng tin, khu thông báo chung của tòa nhà còn chủ trương giảm, miễn theo chính sách hỗ trợ Covid-19 thì phải chờ theo quyết định của thành phố, khi nào có quyết định cụ thể công ty sẽ triển khai.

Liên quan đến câu hỏi vì sao chất lượng công trình thấp, xuống cấp nhưng người dân phản ánh rất lâu không được sửa chữa thì ông Dũng chia sẻ: Đây là khu vực nhà ở công nhân được xây dựng chất lượng không được cao như nhà ở thương mại. Phía công ty đã biết nhưng do là khu nhà ở được thành phố đầu tư nên để sửa chữa phải trình lên nhiều cấp, thủ tục, quy trình phức tạp, mất thời gian nên việc sửa chữa cho người dân “không bao giờ là kịp thời”.

Về thông tin các hộ dân thuê nhà tại CT1A không được gửi xe tại tầng hầm, phải gửi xe tại nơi khác gây bất tiện, thì bà Hường cho biết: Tầng hầm của nhà xe CT1A chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nên chưa thể để xe được. Tuy nhiên, khi chúng tôi chuyển câu hỏi của người dân vì sao chưa đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy mà thỉnh thoảng vẫn thấy xe của người dân ở tòa nhà khác được để ở hầm mà người dân tòa CT1A lại phải đi gửi ở cách đó 300m thì đại diện Công ty và Xí nghiệp cho rằng có thể vị trí để xe ở ranh giới giữa 2 tòa CT1A và CT1B nên người dân hiểu nhầm (?).

dong anh ha noi ai se chiu trach nhiem cho nhung ton tai bat cap tai khu nha o cong nhan
Mặc dù chất lượng rất thấp nhưng phí dịch vụ 4.000 đồng/m2 khiến người dân cho rằng mức thu tương đối cao?

Về phí dịch vụ hiện đang thu 4.000 đồng/m2 theo phản ánh của người dân là khá cao, trong khi nhiều khu nhà ở thương mại chỉ thu ở mức khoảng 5.000 đồng/m2. Về vấn đề này, bà Lê Thị Minh Hường – Quyền Giám đốc Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà ở xã hội cho rằng mức thu vẫn trong khung quy định của Nhà nước (khoảng từ 1.300 đồng – 16.000 đồng/m2), tuy nhiên theo bà Hường mức thu này là khá thấp, hiện chưa đủ chi phí quản lý vận hành, sợ rằng sắp tới sẽ điều chỉnh cao hơn.

Ngoài ra, người dân phản ánh tòa CT2 phía Công ty cho thuê nguyên cả tòa để cho 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động làm nơi dạy tiếng, làm chỗ ăn ở tại chỗ là không đúng đối tượng thì được ông Dũng và bà Hường trả lời: Việc cho Công ty Thăng Long là đơn vị đào tạo cung ứng nhân lực, có cam kết cung ứng nhân lực cho khu công nghiệp, được Sở Xây dựng và UBND thành phố chấp thuận, giao cho Công ty ký hợp đồng với Công ty Thăng Long. Tuy nhiên gần đây do dịch bệnh, phía Công ty Thăng Long không hoạt động được, cộng với việc thành phố lấy lại tòa CT2 làm nơi cách ly tập trung nên hiện đã trả lại thành phố.

Như vậy, những bất cập, tồn tại liên quan đến khu nhà ở công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh được người dân phản ánh là có cơ sở. Báo chí và dư luận cũng đã nhiều lần phản ánh, thông tin nhưng đến nay mọi việc vẫn còn tiếp diễn. Những bất cập, tồn tại kéo dài, không kịp thời khắc phục, xử lý gây bức xúc dư luận. Việc xuất hiện những công ty, cá nhân, hộ gia đình không đúng đối tượng thuê, ở, hoạt động kinh doanh, đào tạo tại khu vực này liệu có đúng chủ trương định hướng của thành phố? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội sớm vào cuộc, kiểm tra xử lý (nếu có) vi phạm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích