Đông Á khẩn trương chuẩn bị các phương án ứng phó với bão Khanun
Đông Á khẩn trương chuẩn bị các phương án ứng phó với bão Khanun
Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đều khẩn trương chuẩn bị các phương án ứng phó với bão Khanun.
Tại Nhật Bản, cơ quan khí tượng nước này cho biết tính đến 9h ngày 8/8 (giờ địa phương), bão Khanun đang di chuyển chậm, ở vị trí cách thành phố Amami, Tây Nam Nhật Bản, khoảng 160km về phía Đông – Đông Bắc. Sau khi gây ảnh hưởng đến các khu vực phía Tây tỉnh Nagasaki, bão Khanun có thể di chuyển dọc theo bờ biển miền Bắc, hướng đến Hàn Quốc. Dù bão Khanun đã dần suy giảm, song sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão vẫn là 108 km/h, kèm gió giật lên tới 144 km/h. JMA cảnh báo thiệt hại do gió mạnh và mưa lớn.
Dự báo lượng mưa ở Shikoku và phía Nam vùng Kyushu trong ngày 8 và 9/8 có thể lên tới 300-400 mm, trong khi ở Amami và Kinki (miền Tây) và Tokai (miền Trung) là từ 200-300 mm.
Do ảnh hưởng của bão Khanun, Tập đoàn ô tô Nhật Bản Mazda thông báo ngừng hoạt động sản xuất tại hai nhà máy ở Hiroshima và Yamaguchi trong hai ngày 9 và 10/8. Dịch vụ tàu cao tốc Shinkansen của nước này cũng có thể ngừng hoạt động trên tuyến Hakata và Osaka từ tối 9/8 cho đến sáng 10/8. Trong khi đó, hàng trăm chuyến bay cũng đã bị hủy bỏ.
Cụ thể, ngày 8/8, hãng hàng không Japan Airlines đã hủy 132 chuyến bay, gây ảnh hưởng đến hơn 8.300 hành khách. Hãng hàng không ANA cũng đã hủy các chuyến bay nối Kagoshima (vùng Kyushu) với Tokyo. Tỉnh Kagoshima ban hành lệnh sơ tán không bắt buộc đối với 540.000 người dân, thiết lập 314 khu vực trú ẩn tạm thời.
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc dự báo bão Khanun có thể đổ vào bờ biển miền Nam nước này vào cuối tuần này, gây mưa lớn trên cả nước.
Dự báo, đến 3h ngày 10/8, bão Khanun sẽ hoạt động trên vùng biển ngoài khơi cách thành phố Seogwipo, đảo Jeju 170 km về phía Đông. Ngay trong sáng 10/8, bão sẽ tiến đến vùng biển cách thành phố duyên hải Tongyeong 30km về phía Tây Nam. Khi đổ vào Hàn Quốc, cường độ bão có thể vẫn rất mạnh.
Dự báo bão Khanun gây ra mưa lớn trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 9/8, đến hết ngày 10/8. Riêng khu vực miền Trung Hàn Quốc, mưa có thể kéo dài đến hết sáng 11/8.
Tại Hàn Quốc, hàng chục nghìn thanh thiếu niên tham dự Đại hội Hướng đạo sinh Thế giới (World Scout Jamboree) đã bắt đầu rời khu cắm trại trước khi bão Khanun đổ bộ. Trước đó, những người tham dự sự kiện này cũng phải đối phó với một đợt nắng nóng gay gắt ở Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi ngành công nghiệp của nước này chuẩn bị sẵn sàng cho những thiệt hại từ cơn bão Khanun khi cơn bão tiến gần.
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Hàn Quốc đã chủ trì cuộc họp trong ngày 8/8 với người đứng đầu 13 khu liên hợp công nghiệp của Hàn Quốc và chỉ thị cảnh giác trong chuẩn bị ứng phó với bão.
Hàn Quốc chuẩn bị ứng phó với bão Khanun chưa đầy một năm sau khi siêu bão Hinnamnor đi qua phía đông nam đất nước vào đầu tháng 9/2022 làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại các công ty lớn.
Sau khi đổ vào Hàn Quốc, bão Khanun sẽ di chuyển về phía Bắc hướng vào Triều Tiên rạng sáng 11/8. Ngày 8/8, Triều Tiên tiếp tục kêu gọi nỗ lực nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão Khanun gây ra. Theo tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nhà chức trách nước này đã kêu gọi nỗ lực hết sức nhằm bảo vệ tính mạng của người dân, đảm bảo sẵn sàng các kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế do bão có thể gây ra.
Dự báo bão của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản lưu ý, một cơn bão khác đang hình thành ở Thái Bình Dương. Cơn bão mới được đặt tên là Lan, dự kiến có sức gió lên tới 180 km/h. Theo dự báo, cơn bão mới tiếp sau bão Khanun sẽ đổ bộ miền trung Nhật Bản ngày 13/8.
Được biết, vùng nhiễu động nhiệt đới hình thành ở Thái Bình Dương tối 6/8 và nhanh chóng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới đầu ngày 8/8. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, tới 13h ngày 8/8, áp thấp nhiệt đới này đã mạnh lên thành bão nhiệt đới Lan.
Dự kiến, cơn bão nhiệt đới này tăng cấp nhanh, tới 13h ngày 9/8 Lan sẽ trở thành bão nhiệt đới nghiêm trọng, có sức gió tới 110 km/h sau đó tiếp tục mạnh lên và hướng về phía Nhật Bản.
Đại Phong (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị