Đón dòng dịch chuyển FDI: Cơ hội của Việt Nam vẫn còn, nói lỡ là chưa đúng

Theo các chuyên gia, nghi ngại về việc Việt Nam bỏ lỡ cơ hội lớn từ dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc là không có cơ sở.

Cơ hội vẫn còn, dịch chuyển không phải “ngày một ngày hai”

Đợt dịch Covid-19 thứ tư đang phá vỡ kế hoạch chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của một số tập đoàn đa quốc gia. Gần đây xuất hiện một số lo ngại về việc Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn từ dòng dịch chuyển này khi bị Covid -19 “níu chân”.

Trao đổi với Dân trí, PGS. TS. Cù Chí Lợi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) – nhận định, dịch bệnh làm cho một số nhà đầu tư phân vân. Tuy nhiên họ vẫn đang quan sát, quyết định đầu tư cũng không phải “ngày một ngày hai”. Do vậy nói chúng ta đang lỡ mất cơ hội đón luồng dịch chuyển chưa hẳn đúng.

don dong dich chuyen fdi co hoi cua viet nam van con noi lo la chua dung
PGS. TS. Cù Chí Lợi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) (Ảnh: Mạnh Quân).

Mọi thứ đang bị chậm lại do dịch bệnh, song vị chuyên gia có niềm tin khi việc vắc xin được triển khai đầy đủ, hiệu quả, Việt Nam áp dụng “hộ chiếu vắc xin” và giảm thiểu số thời gian cách ly với các chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài thì tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng, dòng dịch chuyển đang chậm hơn do ảnh hưởng của dịch, song nếu nói bỏ lỡ thì không đúng.

Theo ông Toàn, làn sóng thứ tư đại dịch Covid 19 đang là thách thức to lớn cho tất cả quốc gia trên thế giới mà Việt Nam không phải ngoại lệ. Việc đi lại, dịch chuyển rất khó khăn trong bối cảnh này.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong xu thế chung toàn cầu đều sụt giảm. Các nước trong khu vực, một số quốc gia có sức cạnh tranh lớn với Việt Nam trong thu hút FDI, cũng đang khó khăn trong việc chống dịch bệnh.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có những nỗ lực trong việc thu hút dòng vốn dịch chuyển. “Tất nhiên kết quả đến đâu thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, vì nó còn liên quan đến yếu tố diễn biến của dịch bệnh cả ở Việt Nam lẫn thế giới”, ông Toàn nhấn mạnh với Dân trí.

Việc cần thiết bây giờ, theo ông Toàn, là Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát là chúng ta nhanh chóng bật dậy, hồi phục sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngày 16/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về “rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương” trên cơ sở tổ chức lại Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài được thành lập theo Quyết định số 850 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

“Đây là bước đi có tính đột phá, chắc chắn sẽ được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, đón nhận. Những giải pháp, hành động và kết quả làm việc của tổ công tác trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong các dự án đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài”, ông Toàn nhận định.

Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là tổ trưởng. Tổ phó thường trực Tổ công tác là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các tổ phó khác là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư và Thứ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm, cùng các thành viên Tổ công tác từ các bộ, ngành liên quan.

“Với cơ cấu tổ chức như vậy, các vấn đề vướng mắc được kỳ vọng giải quyết trực tiếp, nhanh chóng, thuận lợi hơn…”, ông Toàn nhận xét.

Bàn về những tác động làn sóng Covid-14 thứ tư, ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam, cho rằng, có thể gây ảnh hưởng nhất định đến đà tăng trưởng chung, tuy chúng ta cũng cần cái nhìn dài hạn.

Theo ông, những yếu tố khiến Việt Nam đang là một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới, vẫn ở đó hoặc được cải thiện liên tục. Vị này dẫn chứng sự cải thiện đến từ nền chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, vị trí địa lý phù hợp, lực lượng lao động năng động.

“Đặc biệt, các Hiệp định Thương mại Tự do có thể được xem là giải pháp lâu dài cho Việt Nam, hỗ trợ quá trình chuyển giao kiến thức và công nghệ, qua đó thúc đẩy sự chuyển đổi từ sản xuất các ngành công nghiệp giá trị thấp và mang tính địa phương sang các ngành có giá trị cao hơn. Ngay cả trong ngắn hạn đến trung hạn, chúng ta vẫn được chứng kiến rất nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp tại Việt Nam”, ông John Campbell nhận định.

Đón luồng dịch chuyển – cần được nhìn rộng hơn việc di dời nhà máy

Ông John Campbell cho rằng, thị trường hiện vẫn ghi nhận những hoạt động khá tốt. Cụ thể, tính đến ngày 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp sản xuất đạt 6,97 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, vốn sản xuất hiện tại vẫn ở mức 3,38 tỷ USD, cao hơn mức 3,23 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Theo chuyên gia này, thị trường cũng đón nhận nhiều khoản đầu tư lớn trong nửa đầu năm. Ví dụ tại miền Bắc, Công ty Jinko Solar Hong Kong đã đầu tư gần 500 triệu USD vào khu công Nghiệp Sông Khoai tại Quảng Yên (Quảng Ninh); hay Fukai Technology của Singapore đầu tư vào Khu công nghiệp Quang Châu tại tỉnh Bắc Giang…

Còn theo lời Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, việc dịch chuyển cũng nên nhìn rộng hơn, đó không chỉ đơn thuần là việc di dời các nhà máy. “Có sự dịch chuyển các đơn hàng. Trước họ đặt ở Trung Quốc nhưng hiện nay đặt ở Việt Nam. Thậm chí khi các đơn hàng này được trao cho doanh nghiệp Việt Nam thì quá tốt”, ông Toàn nói.

don dong dich chuyen fdi co hoi cua viet nam van con noi lo la chua dung
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Theo nhìn nhận từ các chuyên gia, chưa có bằng chứng rõ ràng về sự dịch chuyển vốn FDI toàn cầu từ Trung Quốc đến các địa điểm đầu tư mới, trong đó có Việt Nam. Ðiều này cũng dễ lý giải, vì chuyển dịch một nhà máy từ nơi này sang nơi khác, sau khi đã xem xét hội tụ đầy đủ các cơ hội mới để ra quyết định dịch chuyển cũng có thể mất tới vài năm.

Chưa kể, trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu gần như tê liệt vì dịch Covid-19 thì các hoạt động xúc tiến đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia cũng bị gián đoạn. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng rõ ràng hơn. Đây cũng là cơ hội trước mắt mà Việt Nam có thể đón bắt. Xu hướng này có thể diễn ra sớm và nhanh, doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét để chuẩn bị các điều kiện đón nhận đồng thời từng bước làm chủ về công nghệ.

Từ góc nhìn của người lâu năm theo dõi những biến động dòng vốn FDI, ông Nguyễn Văn Toàn cũng cho rằng Việt Nam nên làm tốt các vấn đề như hạ tầng, đất sạch, nguồn nhân lực, các chính sách… trong việc đóng sóng dịch chuyển.

Kinh nghiệm từ mô hình “bong bóng” chống Covid-19

“Bong bóng” là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm người hay quốc gia thấy thoải mái khi tiếp xúc, giao lưu với nhau trong đại dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, vừa qua, trong thể thao áp dụng mô hình này rất tốt và cũng nên cân nhắc mô hình này trong các hoạt động kinh tế, đặc biệt là việc thu hút FDI.

“Để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài chỉ tiếp xúc đúng với những người cần đàm phán. Lúc về thì ra thẳng sân bay. Ở khách sạn cũng trong quy trình khép kín, giãn cách… Tuy nhiên các vấn đề này chỉ được đảm bảo khi được thực hiện một cách nghiêm túc, các điều kiện đi kèm cần có như tiêm đầy đủ vắc xin…”, ông Toàn đề xuất.

don dong dich chuyen fdi co hoi cua viet nam van con noi lo la chua dung
Chuyên gia cho rằng Việt Nam nên làm tốt các vấn đề như hạ tầng, đất sạch, nguồn nhân lực, các chính sách… trong việc đóng sóng dịch chuyển.

Về dài hạn, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, góp ý, các khu công nghiệp chất lượng cao trên thế giới thường làm tốt khâu quy hoạch tổng thể dự án khu công nghiệp, đảm bảo dự án công nghiệp tích hợp hài hòa các yếu tố nhà ở, bán lẻ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khác nhau. Các mô hình này đang hoạt động tốt ở các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Tại Việt Nam, theo ông Matthew Powell, một khu công nghiệp chất lượng cao sẽ có lợi thế tăng trưởng trong một thị trường sôi động. Việc tích hợp yếu tố nhà ở trong khu công nghiệp không chỉ đơn thuần dừng ở việc có chỗ nghỉ ngơi cho công nhân, mà nên cung cấp các tiện ích về nhà ở chất lượng, bán lẻ, giáo dục, giải trí, nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của công nhân, các chuyên gia, khách thuê. Dự án khu công nghiệp từ đó tạo ra sức hút đầu tư, đặc biệt thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp giá trị cao.

Việc điều chỉnh trong chính sách vì thế rất được kỳ vọng đem đến các thay đổi tích cực, có thể được xem là một trong những sáng kiến giúp công nghiệp Việt Nam có nhiều dự án bắt kịp với xu hướng đầu tư trên thị trường.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích