Đón dòng đầu tư vào công nghiệp bán dẫn
Điểm đến triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn
Tại hội nghị kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn Thành phố do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trần Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Là “huyết mạch” của nền kinh tế số, công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu… đến tìm hiểu và đầu tư.
Các đại biểu tham dự tọa đàm tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội. |
Việt Nam có dự trữ khoảng 22 triệu tấn đất hiếm, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc làm chủ nguồn nguyên liệu để sản xuất chất bán dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, công nghệ tương lai… Thành phố Hà Nội – Thủ đô của cả nước, với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Quang, thời gian qua, thành phố Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố.
Trong 6 tháng năm 2024, Thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn 1,036 tỷ USD; bổ sung tăng vốn đầu tư 78 dự án, với 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, với giá trị 74 triệu USD. Với những kết quả tích cực nêu trên, Hà Nội vẫn là “bến đỗ” hấp dẫn đối với dòng vốn và các nhà đầu tư quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn. Để phát triển công nghiệp bán dẫn, Thành phố đã tạo ra một môi trường gắn kết các bên tham gia trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Hà Nội đang chuẩn bị về mặt thể chế, chính sách vượt trội, chuẩn bị nguồn lực để tạo ổ đón những đại bàng sản xuất lớn về công nghệ chip, công nghệ bán dẫn vào Hà Nội cũng như vào Việt Nam.
Cụ thể, định hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn với Hà Nội, tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đi đầu trong phát triển các ngành mới nổi theo xu thế công nghệ hàng đầu của thế giới. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đầu mối, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, có sự gắn kết với hệ thống đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; là trung tâm thiết kế và cung ứng sản phẩm bán dẫn và trí tuệ nhân tạo hàng đầu của cả nước, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực.
Tập trung ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển
Bên cạnh những cơ hội to lớn, Hà Nội cũng đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ngành công nghiệp bán dẫn phân bố không đồng đều, do một số quốc gia chi phối, không quốc gia, khu vực nào có toàn bộ dây chuyền sản xuất. 15 năm trước, Việt Nam đầu tư hàng trăm triệu USD cho nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm, trong đó có phòng thí nghiệm liên quan công nghệ bán dẫn có giá trị hơn 4 triệu USD. Vì nhiều lý do, đầu tư ở Việt Nam lớn gấp đôi hỗ trợ từ Mỹ, nhưng ít tác dụng, kể cả đào tạo đội ngũ.
“Cơ hội để chuyển sang công nghiệp bán dẫn là cơ hội lớn nhất, nhưng cũng là thách thức lớn nhất đòi hỏi những điều kiện thực thi và năng lực khác thường. Cách tiếp cận của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng phải có sự khác biệt hơn rất nhiều so với trước đây, phải tổng thể, đủ tầm để có thể thay đổi thời đại, đua tranh toàn cầu. Để thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam phải biến thách thức quốc gia thành cơ hội của doanh nghiệp, người dân và phải trao quyền, tạo điều kiện, chịu trách nhiệm và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ở lĩnh vực công nghệ bán dẫn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA nhận định, đối với Thủ đô Hà Nội, phát triển công nghiệp bán dẫn cần gắn với đề án Thành phố thông minh, bởi trong quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng Hà Nội đều thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh. Để trở thành thành phố thông minh Hà nội sẽ cần xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng cơ chế riêng thu hút đầu tư; xây dựng bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chính sách ưu đãi; xây dựng chiến lược dài hạn; học hỏi các quốc gia đi trước, có hệ sinh thái đào tạo, cung ứng, sản xuất thiết bị điện tử nói chung và chip nói riêng. Đồng thời, Hà Nội cần dành nguồn lực, tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, vì sản xuất và thiết kế chip là mảnh đất rộng lớn, có số đông doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và nhỏ…
Nguyễn Hoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô