Đội tuyển Việt Nam từng bị “hét giá” 1,5 tỉ đồng khi thuê sân Mỹ Đình
Các đây 8 năm, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia từng “hét giá” thuê sân Mỹ Đình để tổ chức trận đội tuyển Việt Nam gặp Arsenal với giá 1,5 tỉ đồng.
Năm 2013, Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình thời ông Cấn Văn Nghĩa đương nhiệm Giám đốc từng “hét giá” thuê sân Mỹ Đình lên đến 1,5 tỉ đồng để VFF tổ chức trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và câu lạc bộ Arsenal. Đây là mức giá cao gấp 7-8 lần thông thường.
Theo giải thích của ông Cấn Văn Nghĩa với báo chí thì: “Mấy khi có sự kiện đỉnh điểm thế này, vé lên tới 1,5 triệu đồng/chiếc. Tôi tính sơ sơ nếu bán hết vé, ban tổ chức trận đấu đã có vài chục tỉ, đó là chưa kể đặt bảng quảng cáo, bản quyền truyền hình. Họ thu lớn như vậy thì cũng phải chia sẻ với sân chứ. Nhà có cỗ, bố mẹ được ăn cỗ thì cũng phải cho con ăn, chẳng nhẽ bắt con nhịn đói?”.
Trận đội tuyển Việt Nam đấu Arsenal trên sân Mỹ Đình năm 2013. Ảnh: AFP |
Mức giá 1,5 tỉ đồng đã gây tranh cãi gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là mức giá “chặt chém”. Bởi mức giá thông thường chỉ từ 150-200 triệu đồng, nhưng do sức hút của câu lạc bộ Arsenal đã tăng chóng mặt. Ông Lê Hùng Dũng khi đó còn trong vai trò là Phó Chủ tịch tài chính VFF đã nói rằng: “Họ tưởng chúng tôi kiếm bộn tiền nên đòi tới 1,5 tỉ đồng, thật quá đáng. Sân quốc gia mà làm ăn vậy thì khác nào kiểu chụp giật, chặt chém như cánh hàng rong”.
Sau đó, Tổng cục Thể dục Thể thao đã phải vào cuộc “phân xử”. Mức giá chốt lại cuối cùng là 800 triệu đồng. Thực tế, trong vấn đề này, ở góc độ nào đó, cũng có thể hiểu được cách mà Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình “ra giá”. Bởi theo cách ông Cấn Văn Nghĩa giải thích thì: “Chúng tôi là đơn vị tự chủ và hạch toán kinh doanh. Hơn nữa, chi phí cho trận đấu này là rất lớn, 1,5 tỉ đồng cũng chưa chắc đã có lãi”.
Tuy nhiên, việc tính toán chi phí và các vấn đề liên quan cần được xây dựng khung giá ngay từ đầu và dựa trên tính chuyên nghiệp chứ không phải việc tăng giá tự phát, tranh thủ kiếm lợi.
Sau này, một bảng giá đã được cấp trên phê duyệt theo quy định. Cụ thể, đơn giá thuê sân tổ chức các trận thi đấu giao hữu với các câu lạc bộ, đội tuyển quốc gia có nền bóng đá phát triển như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha… là từ 1,2 đến 1,5 tỉ đồng.
Trận Việt Nam – Man City tại sân Mỹ Đình năm 2015. Ảnh: AFP |
Năm 2015, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Man City cũng chỉ chốt mức giá 800 triệu đồng bằng với mức giá trước đó 2 năm. Những đơn vị có nhu cầu đặt biển quảng cáo trong trận đấu ngày 27.7 sẽ phải bỏ ra ít nhất 20.000 USD (hơn 420 triệu đồng) cho trận đấu để đổi lại số biển quảng cáo nhất định đặt ở sát 4 đường biên trên sân cỏ. Với những bảng quảng cáo nhỏ dán xung quanh các khán đài, mỗi vị trí được bán với giá khoảng 3.000 USD (hơn 60 triệu đồng).
Tuy nhiên, sức hút mà trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Man City mang lại cũng không đạt như kỳ vọng. Bằng chứng là sân Mỹ Đình vẫn còn nhiều chỗ trống.
Sắp tới, VFF chọn sân vận động Mỹ Đình làm sân nhà tổ chức các trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. VFF sẽ phải ký hợp đồng với Khu liên hợp thể thao quốc gia để thuê sân Mỹ Đình làm nơi tổ chức các trận đấu.
Được biết, khung giá thuê sân vận động Mỹ Đình để tổ chức các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là từ 350 đến 500 triệu đồng/trận. Con số cụ thể từng trận đấu sẽ tùy vào điều kiện tổ chức trận đấu, số lượng khán giả mà Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình và VFF sẽ thống nhất cho phù hợp.
Sân Mỹ Đình đăng cai các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018. Ảnh: Thuỷ Đặng |
Sau 8 năm, giá thuê sân Mỹ Đình một lần nữa lại được chú ý. Nên nhớ đây là giá thuê sân ở một giải đấu quốc tế chính thức chứ không phải là trận giao hữu mang tính thương mại. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, VFF đang xin phép các cơ quan chức năng cho bán 10% trong tổng số sức chứa hơn 40.000 chỗ ngồi ở Mỹ Đình.
Nguồn: Báo xây dựng