Đối tượng nào được mua, thuê nhà ở xã hội?

Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.

Giải quyết 6 nhóm chính sách lớn

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà ở.

Đồng thời, đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn.

Đối tượng nào được mua, thuê nhà ở xã hội?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Anh Thư

Nội dung Nghị quyết tập trung giải quyết 6 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Chính sách về đất đai để xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Chính sách về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; Chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.

Bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội

Theo dự thảo Nghị quyết, khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt. Đối với khu vực nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương để bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, đáng quan tâm, dự thảo Nghị quyết quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua.

Giá bán nhà ở xã hội được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án), lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác), lợi nhuận định mức 10% và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước quy định tại điểm a và b khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết này.

Giá thuê mua được xác định theo quy định tại điểm a khoản này, không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở; giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê.

Đối tượng nào được mua, thuê nhà ở xã hội?
Ảnh minh họa. Ảnh: HP.

Phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập

Về điều kiện, để được mua, thuê nhà ở xã hội, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập. Cụ thể, phải chưa có nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, làm việc hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.

Về thu nhập, các đối tượng là người thu nhập thấp; công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ; các đối tượng là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc diện được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập.

Về nhà lưu trú công nhân, theo dự thảo Nghị quyết, khi lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất tối thiểu 2% trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú công nhân và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó…

Thảo luận tại phiên họp, đại diện Bộ Công an đề nghị bổ sung đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân, công an để đảm bảo đồng bộ với dự thảo Luật Nhà ở đang được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phát biểu kết luận phiên thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sự cần thiết xây dựng Nghị quyết trong bối cảnh Luật Nhà ở đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Đồng thời, đánh giá dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết sau khi được thông qua, hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của chính sách…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích