Đối tượng đăng ký bảo hộ sáng chế được hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn
Tại Thông tư 75/2021/TT-BTC quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 vừa ban hành nêu rõ mức ngân sách nhà nước hỗ trợ trong đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới.
Theo đó, trường hợp đăng ký bảo hộ trong nước: Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn; đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ.
Trường hợp đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho các đối tượng quy định, mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn.
Đối với nhiệm vụ do các bộ, cơ quan trung ương quản lý, mức kinh phí quy định nêu trên là mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước, trong trường hợp phát sinh thêm các chi phí khác (nếu có), các đơn vị tham gia Chương trình tự đảm bảo. Đối với nhiệm vụ do địa phương quản lý, căn cứ các công việc có liên quan, điều kiện cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương để thực hiện.
Về nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, các nội dung hỗ trợ gồm: Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ; quản lý và sử dụng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia, hỗ trợ sử dụng biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia ở trong và ngoài nước…
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ các khoản chi phí thuê mặt bằng; chi phí vận chuyển và thiết kế, dàn dựng gian hàng; chi phí hoạt động chung của Ban tổ chức (trang trí tổng thể, lễ khai mạc, bế mạc, in ấn tài liệu và các chi phí khác liên quan); chi công chuyên gia xác định, lựa chọn sản phẩm, tra cứu đánh giá sản phẩm được bảo hộ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/ 1 đơn vị tham gia. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2021.
Liên quan tới vấn đề trên, theo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2020, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng 35% so với năm 2019. Trong giai đoạn 10 năm qua, lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của người Việt Nam đã tăng trưởng rõ rệt, nếu như khoảng những năm 2011 chỉ có vài trăm đơn được nộp mỗi năm thì đến 2020, con số này đã tăng gấp ba lần.
Tỷ lệ tăng trưởng 35% tương ứng với hơn 1500 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích (so với 1115 đơn năm 2019) chiếm khoảng 18% tổng lượng đơn được nộp năm 2020 cho thấy nhu cầu và nhận thức về việc bảo vệ quyền đối với sáng chế của các tổ chức và cá nhân trong nước đã gia tăng đáng kể.
Bảo Lâm