Sống âm lịch

Sống âm lịch

Tiếng người ngã giá, kỳ kèo bớt một thêm hai, lựa chọn con đẹp, con to át cả tiếng líu lo của những chú chim non. Sinh vật bị giam cầm trong những chiếc lồng rồi lại phóng sinh từ chính những chiếc lồng ấy nhân danh tự do, cứu vớt liệu có phải là một chiếc vòng luẩn quẩn không tìm thấy lối ra?

al1

Tục đốt vàng mã của người Việt mỗi năm tiêu tốn 5.800 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

1. Đầu tháng Bảy, hàng xóm đốt tạ vàng mã, tàn tro bay khắp ngõ phố, bám đầy cửa kính nhà mình. Thấy tôi bức xúc có ý định sang nhắc nhở, vợ tôi kéo lại: “Anh có thôi đi không! Mấy hôm nữa đến lượt nhà mình làm lễ, tàn tro kiểu gì cũng bay sang nhà người ta”. Nghe lời vợ, tôi cũng hạ hỏa nhưng vàng mã cứ thế cháy đều khắp phố đến giữa tháng Bảy.

Năm nay, nghe đâu phố hàng mã còn xuất hiện cả sản phẩm trí tuệ nhân tạo (Al) để phục vụ người âm. Các ứng dụng Chat GPT, Titok, Facebook… cũng được các nghệ nhân hàng mã bắt trend để chiều theo khách hàng thế hệ mới. Quan niệm “trần sao âm vậy” khiến cho thị trường hàng mã tháng Bảy nhiều năm qua chứng kiến sự xuất hiện của nhiều mặt hàng dở khóc dở cười. Nhiều người, cha mẹ khi sống chỉ đi xe đạp nhưng đốt mã cứ phải ô tô, thậm chí siêu xe hạng sang. Dương gian tiêu tiền lẻ nhưng âm phủ phải… đô la, cổ phiếu. Sống đeo tay nải nhưng khi chết lại đốt hàng mã là túi xách hàng hiệu…

2. Lại nhớ hồi cuối năm ngoái, dịp lễ ông Công, ông Táo, tôi đi thả cá chép thì gặp cảnh túi ni lông ken đặc một khúc sông vốn đã oằn mình chở rác bao nhiêu năm. Đi sâu xuống một đoạn ngắn, bắt gặp ngay những chiếc thuyền nhỏ đang giăng lưới chờ phương tiện chở ông Công, ông Táo… mắc cạn. Những con cá chép được nuôi công nghiệp, bán dịch vụ cuối cùng cũng không thể hoàn thành sứ mệnh tâm linh mà con người… giao phó.

Dịp tháng Bảy, người ta bày bán la liệt các lồng chim, thậm chí những cũi nhốt chim cỡ lớn tại các cổng chùa. Có những chú chim vừa ra ràng, miệng chúm chím đớp mồi, chưa kịp lớn đã bị thương lái gom lại để bán phục vụ nhu cầu phóng sinh. Tiếng người ngã giá, kỳ kèo bớt một thêm hai, lựa chọn con đẹp, con to át cả tiếng líu lo của những chú chim non. Sinh vật bị giam cầm trong những chiếc lồng rồi lại phóng sinh từ chính những chiếc lồng ấy nhân danh tự do, cứu vớt liệu có phải là một chiếc vòng luẩn quẩn không tìm thấy lối ra? Và phải chăng, từ điển tiếng Việt phải bổ sung thêm một loài chim mới có tên là “chim phóng sinh”?

al2

Những chú chim non được nhốt trước lúc phóng sinh (Ảnh minh họa)

Thống kê mới nhất cho thấy, mỗi năm người Việt đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với đó là gần 5.800 tỷ đồng hóa thành tro bụi. Việc này không chỉ đốt… tiền mà còn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tục đốt vàng mã cũng gặp khó vì đây là văn hóa truyền thống, là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến tâm linh.

Pháp luật hiện hành vẫn công nhận vàng mã, hàng mã là một mặt hàng được phép kinh doanh và vẫn nằm trong danh mục đóng thuế. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này được ấn định với mức rất cao tới tận 70%. Nhưng quản lý thuế trong lĩnh vực “nhạy cảm” như sản xuất, kinh doanh hàng mã cũng là việc không hề dễ dàng. Việc xử phạt hành vi hành chính cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử… với mức phạt chỉ từ 200.000 đến 500.000 đồng.

3. Sắp đến ngày khai giảng nhưng gia đình anh bạn tôi vẫn chưa mua sách vở, chưa sắm quần áo mới cho con. Anh nói, phải qua rằm, vì đang tháng Bảy âm lịch – tháng của người âm.

Anh nhận quyết định bổ nhiệm trưởng phòng từ cuối tháng 6 âm lịch nhưng sau gần 1 tháng, bạn bè vẫn chưa thể liên hoan chúc mừng… tờ A4. Lý do cũng tương tự: đang tháng Bảy – tháng của người âm.

Lại có một người bạn nữa là doanh nhân, dự án đã đầy đủ các thủ tục pháp lý, đầy đủ vốn nhưng anh vẫn phải đợi đến tháng Tám mới khởi công. Lý do cũng không khác – tháng Bảy là tháng của người âm.

Anh bạn lên chức kể, khi tổ chức có chủ trương bổ nhiệm anh, mọi quy trình thủ tục phải tiến hành theo kiểu chạy “vắt chân lên cổ” cho kịp trước tháng Bảy. Tôi thắc mắc, điều động, bổ nhiệm là công việc thường xuyên, liên tục theo thủ tục hành chính. Mà thủ tục hành chính được thực hiện theo dương lịch chứ sao lại phụ thuộc vào âm lịch. Anh cười xòa: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Quan niệm như ông, thảo nào cứ giậm chân tại chỗ”…

4. Tháng Bảy, lâu nay vẫn bị mặc định là tháng cô hồn, tháng kiêng kỵ những việc làm của trần gian. Và vì thế, tháng Bảy trở thành quãng thời gian “nghẽn” nhiều hoạt động, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế – xã hội. Chưa có thống kê đầy đủ nhưng chắc chắn, tháng Bảy âm lịch, các ngành nghề kinh doanh bán hàng gia dụng, đồ dùng thiết yếu sức mua giảm nặng nề.

Vẫn biết pháp luật với văn hóa, phong tục và hủ tục, tín ngưỡng với mê tín luôn tồn tại một ranh giới. Có thể thấy, hàng mã hay “tháng cô hồn” vẫn là một vấn đề rất khó để ràng buộc vào khung pháp lý.

Trước mắt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hạn chế, tiến tới loại bỏ đốt vàng mã là cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các nơi thờ tự. Cùng với đó, cần hiểu đúng về những tập tục văn hóa tốt đẹp trong tháng Bảy âm lịch. Loại bỏ quan niệm lệch chuẩn “tháng cô hồn” với những thói quen kiêng cữ… không giống ai của một bộ phận không nhỏ người Việt. Bởi muốn bước tới vũ đài văn minh, chúng ta không thể mãi sống bằng tư duy âm lịch và để giấc mơ “hóa vàng” theo làn khói.

Bạn cũng có thể thích