Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị Hà Nội: Hiệu quả giám sát từ cơ sở
(Xây dựng) – Tại Hà Nội, sau hơn bốn năm thực hiện Đề án thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị (QLTTXDĐT) cấp quận, huyện, thị xã; số lượng các vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô giảm rõ rệt; cho thấy sự chuyển biến tích cực và hiệu quả của mô hình này.
Lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế một công trình vi phạm trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Ảnh: V.N) |
Mô hình thí điểm có hiệu quả
Cuối năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã có sơ kết, đánh giá về mô hình Đội QLTTXDĐT (sau hơn 18 tháng triển khai thí điểm) cho thấy những kết quả rất tích cực. Các công trình xây dựng được kiểm tra, kiểm soát thường xuyên; nhiều vi phạm được phát hiện kịp thời.
Những công trình vi phạm tồn đọng trước đây đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao; vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn Thành phố tăng 01% (từ 97,77% lên 98,77%). Tỷ lệ công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 1,46% (tương ứng tỷ lệ 25,35%), từ 5,76% xuống 4,30%. Bên cạnh đó, số lượng công trình có vị phạm giảm 651 trường họp (tương ứng giảm 35,55% so với 18 tháng trước khi thực hiện thí điểm mô hình), từ 1,831 trường hợp còn 1.180 trường hợp.
Theo Báo cáo tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của Sở Xây dựng cho thấy, UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo Đội QLTTXDĐT tiến hành kiểm tra 18.878 công trình (đạt 100%), phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 402 trường hợp vi phạm. Đã xử lý dứt điểm 300/402 trường hợp vi phạm chiếm tỷ lệ 74,6%, tiếp tục giải quyết 102/402 trường hợp còn lại.
Để có cái nhìn cụ thể và đánh giá về tình hình thực hiện thí điểm Đội QLTTXDĐT trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã trong thời gian qua, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã tìm hiểu, có những ghi nhận tại một số Đội trên địa bàn Hà Nội.
Như mô hình tại quận Hoàn Kiếm đang hoạt động chia thành 20 tổ, gồm: Tổ Hành chính tổng hợp, Tổ Kiểm tra cơ động và 18 tổ trên địa bàn 18 phường. Đội có 54 người, trong đó: 52 công chức và 2 hợp đồng lao động. Lãnh đạo Đội gồm Đội trưởng và 2 Đội phó. Từ khi triển khai thí điểm, các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận được chỉ đạo xử lý kịp thời theo đúng quy định. Đội đã xử lý được nhiều trường hợp vi phạm tồn đọng kéo dài, làm giảm đáng kể việc xây dựng không phép, sai phép. Số công trình được kiểm tra, rà soát tăng, tỷ lệ công trình có phép ngày càng tăng.
Trong khi đó tại quận Ba Đình, Đội QLTTXDĐT có 57 người chia thành 16 tổ, trong đó 14 tổ địa bàn bám sát hoạt động xây dựng tại 14 phường và 01 tổ kiểm tra, giám sát “chéo” hoạt động. Nguyên tắc tổ chức, phân công theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ địa bàn”.
Theo đại diện lãnh đạo Đội, do đội ngũ “nằm” ngay tại địa bàn phường, quận nên mọi vi phạm đều được phát hiện kịp thời. Thẩm quyền, trách nhiệm trong xử lý vi phạm cũng rõ hơn. Đặc biệt, việc thực hiện mô hình thí điểm này đã tạo sự thống nhất, tập trung xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Mô hình thí điểm này giúp tăng sự chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của cấp quận, phường trong quá trình triển khai nhiệm vụ nên nhiều vi phạm được ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh. Tình trạng vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn giảm rõ rệt.
Báo cáo đánh giá của Sở Nội vụ Hà Nội cho thấy, việc thí điểm mô hình Đội QLTTXDĐT cấp quận, huyện đã phát huy hiệu quả, nhất là việc ràng buộc trách nhiệm đối với UBND cấp huyện, cấp xã, giúp giảm đáng kể tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng.
Rõ ràng, mô hình Đội QLTTXDĐT đang dần chứng minh được vai trò nòng cốt của mình trong việc giúp các địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng hiệu quả hơn. Do vậy, Hà Nội đề xuất được tiếp tục thí điểm để có thêm dữ liệu, tính thực tiễn đánh giá cụ thể đối với mô hình này và đã được Thủ tướng đồng ý tại gia hạn đến hết ngày 10/8/2023.
Cần đánh giá tổng thể để “chính quy” mô hình
Mới đây, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 đối với công tác thanh tra, kiểm tra, ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá rất cao những kết quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, mô hình Đội QLTTXDĐT trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng đã chỉ ra một số hạn chế, đó là công tác kiểm tra, ngăn chặn thiếu quyết liệt để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác QLTTXDĐT tại một số phường, xã còn yếu, chủ yếu dựa nhiều vào kinh nghiệm, không cập nhật, nghiên cứu văn bản mới trong lĩnh vực xây dựng.
Theo ghi nhận, một đại diện lãnh đạo của Đội QLTTXDĐT tâm tư: Đội sau gần 05 năm hoạt động nhưng vẫn chỉ là mô thí điểm, chưa được “chính quy”, chưa được “danh chính ngôn thuận” trong các văn bản quy định pháp luật, do vậy, tâm lý anh em, cán bộ đôi lúc còn dao động. Trước đây khi còn là mô hình Thanh tra xây dựng, cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn được cấp trang phục để thực thi công vụ, được thi, bổ nhiệm các ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính… và được hưởng phụ cấp thanh tra viên, phụ cấp thâm niên nghề thanh tra.
Tuy nhiên, với mô hình hiện nay, các chính sách trên không còn được áp dụng nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần, nguyện vọng của cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Điều này cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình thực thi công vụ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chức năng của Đội QLTTXDĐT đô thị không còn như Thanh tra trước đây, nay chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc cho cấp quận, huyện. Các Đội không có thẩm quyền xử phạt, không trực tiếp xử lý vi phạm mà chỉ lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý, kiểm tra vi phạm.
Có thể thấy rằng, việc thiết lập, luân chuyển hồ sơ giữa Đội và UBND phường, UBND quận còn mất nhiều thời gian. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc ngăn chặn các vi phạm xây dựng trên địa bàn. Hay đối với thẩm quyền xử phạt của UBND cấp xã còn thấp (chỉ tối đa 05 triệu đồng). Vì vậy, nhiều vụ việc cứ phải báo cáo về cấp quận, huyện, dẫn đến nhiều quy trình làm chậm trễ, kéo dài thời gian giải quyết.
Lực lượng Liên ngành quận Đống Đa ra quân xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 90 Đường Láng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. |
Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình áp dụng thí điểm, UBND Thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện tính hiệu quả, khả thi của mô hình này, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật hiện hành để đảm bảo tính pháp lý của Đội QLTTXDĐT đô thị quận, huyện, thị xã, vì những văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không quy định mô hình này.
Đến thời điểm hiện tại, thời gian thí điểm mô hình chỉ còn chưa đến 01 năm nữa (đến hết ngày 10/8/2023), vì vậy đã đến lúc các cấp chính quyền của Hà Nội cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện về mô hình này và có đề xuất phù hợp với tình hình thực tiễn tại Thủ đô.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 cho phép thí điểm thành lập Đội QLTTXDĐT trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội trong thời gian 24 tháng (kể từ ngày 10/8/2018) và tiếp tục được gia hạn đến hết ngày 10/8/2023 (theo Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg ngày 09/12/2020). Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị. |
Nguồn: Báo xây dựng