Đôi nét về than Antraxit sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam
Đôi nét về than Antraxit sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam
Than là một loại khoáng sản quý, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong các nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, than đá cũng được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực khí đốt, nhiên liệu đốt lò hơi, sản xuất hóa chất, sản xuất giấy, thủy tinh…
Nhiều hệ lụy từ các nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng đến môi trường
Trong ngành công nghiệp điện, than đá chiếm một tỷ trọng cao trong ngành công nghiệp nhiệt điện, nó đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn điện năng sử dụng phục vụ đời sống sinh hoạt của con người.
Công nghệ trong nhiệt điện than là đốt cháy than trong các buồng đốt của lò hơi nhà máy. Nhiệt lượng sinh ra sau khi nhiên liệu bị đốt cháy cùng với không khí được truyền cho nước để sản xuất hơi nước, làm quay tuabin, kéo theo máy phát điện, tạo ra điện năng.
Trong quá trình đốt than sinh điện, các nhà máy nhiệt điện phát sinh nhiều loại chất thải như: chất thải khí gồm khói thải, bụi, các khí như CO2, NO, SO2, HCl, NO2, N2O và SO… chất thải rắn có tro xỉ, rác bẩn; chất thải lỏng với dầu cặn, nước ẩm có lẫn dầu sau khi làm mát thiết bị, nước thải có lẫn hóa chất, nước thải sinh hoạt… và chúng đều có nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy xấu tới môi trường.
Nguyên liệu chủ yếu được sử dụng trong các buồng đốt để sản xuất điện ở các nhà máy nhiệt điện than Việt Nam là than đá antraxit, than nâu và than bitum nhập khẩu. Trong đó, than đá antraxit được coi là nguồn nguyên liệu sản xuất điện năng lớn nhất do có nhiệt năng cao và hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Theo tìm hiểu, antraxit (hay còn được gọi là than Anthracite) là nhiên liệu không khói xuất hiện tự nhiên rất sáng bóng, cứng và đậm đặc, cháy cực kỳ chậm với nhiệt lượng tỏa ra cao. Antraxit hay còn gọi là than cứng, than đen,… là loại than cứng, đặc, có ánh kim loại. Nó có hàm lượng carbon cao nhất, ít tạp chất nhất và mật độ năng lượng cao nhất trong tất cả các loại than và là loại than cao nhất.
Than antraxit có từ 82 đến 86% cacbon nên nó đốt cháy ở mức BTU rất cao – 25 triệu BTU mỗi tấn (BTU, Đơn vị Nhiệt của Anh, là thước đo nhiệt lượng) do vậy than đá antraxit là nguyên liệu chủ yếu được sử dụng trong các buồng đốt để sản xuất điện ở các nhà máy nhiệt điện than Việt Nam.
Tính đến tháng 5 năm 2023, Việt Nam có tổng cộng khoảng 29 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, với tổng công suất 26.087 MW (chiếm 32,3% tổng công suất nguồn hệ thống điện, sản lượng điện từ nhiệt điện than năm 2022 là 104,9 TWh (chiếm 39,1% điện sản xuất toàn hệ thống).
Trong khi đó, có 5 dự án nhiệt điện than đang được xây dựng theo các giai đoạn và dự kiến vào vận hành trong giai đoạn 2024 – 2030, với tổng công suất 5.660 MW như: Nhà máy Vũng Áng 2, Na Dương 2, Quảng Trạch 1, Long Phú 1, An Khánh – Bắc Giang.
Một số hoạt động đấu thầu than nhập khẩu từ Lào của Vinacomin
Do nhu cầu phát triển kinh tế, sự bùng nổ về nhu cầu sử dụng điện Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt các nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong đó, nguồn cung về than cho sản xuất điện có liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, trong ngành than có hai đơn vị chủ chốt sản xuất, kinh doanh than là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 95% sản lượng than sản xuất trong nước.
Để đảm bảo nguồn cung về than cho sản xuất điện, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã nhập khẩu than từ các quốc gia khác trong đó có Lào. Cùng với đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã giao Công ty cổ phần Kinh doanh than Miền Bắc (Công ty than Miền Bắc) tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp than.
Được biết, Công ty cổ phần kinh doanh than Miền Bắc (Vinacomin Miền Bắc – mã cổ phiếu TMB) là công ty con của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam – (Vinacomin) doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Theo số liệu thông báo trên thị trường chứng khoán thì hiện nay Vincomin đang là cổ đông lớn chiếm 67,4% cổ phần Vinacomin Miền Bắc.
Có thể kể đến một số gói thầu do Công ty than Miền Bắc là đơn vị mời thầu như gói thầu ‘Nhập khẩu thử nghiệm than Lào năm 2023’ số hiệu gói thầu NKTL01/2023, phát hành Hồ sơ yêu cầu chào giá ngày 25/9/2023. Thông báo gia hạn thời gian nộp hồ sơ đề xuất chào giá cạnh tranh ngày 5/10/2023. Sau khi ra hạn thời gian thì đến ngày 30/10/2023, Công ty cổ phần Kinh doanh than Miền Bắc ra Thông báo kết quả lựa chọn nhà cung cấp.
Theo đó, công ty trúng thầu là Xekong Power Plant Company Limited. Giá trúng thầu theo điều kiện giao hàng DPU là 96 USD/tấn với khối lượng 100.000 tấn than nhiệt toàn phần 5.300 kcal/kg (DB) và được giao hàng tại Cảng Hòn La, Quảng Bình.
Tiếp đó, tại gói thầu: “Nhập khẩu than theo điều kiện DPU năm 2023 – 2024” số hiệu gói thầu NK.DPU/2023 phát hành hồ sơ yêu cầu chào giá quốc tế cạnh tranh ngày 22/11/2023.
Theo Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 4/12/2023 đơn vị trúng thầu là Công ty Xekong Power Plant Company Limited. Giá trúng thầu theo điều kiện giao hàng DPU là 96 USD/tấn với khối lượng 100.000 tấn than nhiệt NAR4.800 kcal/kg và được giao hàng tại Cảng Hòn La, Quảng Bình.
Và ở gói thầu “Nhập khẩu than theo điều kiện DPU đợt 1 năm 2024” số hiệu gói thầu NK.DPU01/2024 phát hành Hồ sơ yêu cầu chào giá ngày 23 tháng 01 năm 2024. Số lượng yêu cầu chào giá là 250.000 tấn than nhiệt lượng NAR 4.800 kcal/kg. Đơn vị trúng thầu là nhà thầu Công ty Xekong Power Plant Company Limited. Đơn giá trúng thầu: 99,00 USD/tấn cơ sở nhiệt năng tịnh (cơ sở nhận) 4.800 kcal/kg, DPU Cảng Hòn La, Quảng Bình, Việt Nam (Incoterms 2020). Khối lượng trúng thầu: 250.000 tấn. Tổng giá trúng thầu (đã bao gồm chi phí dự phòng 15%): 28.462.500,00 USD. Thời gian thực hiện hợp đồng: Từ ngày ký hợp đồng đến hết ngày 15-5-2024.
Ở các gói thầu này Công ty than Miền Bắc tổ chức đấu thầu bằng hình thức chào hàng cạnh tranh than nhập khẩu có đăng tải thông tin trên website của Tập đoàn Vinacomin, Báo Hà Nội Mới.
Ngày 17/7, tại buổi làm việc trực tiếp với ông Đinh Quang Trung – Phó Trưởng ban Ban kinh doanh than Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và đại diện Công ty than Miền Bắc, ông Trung cho biết: Năm 2023 Tập đoàn có giao cho Công ty cổ phần Kinh doanh than Miền Bắc là công ty thành viên cùng kết hợp đi khảo sát thực tế tới tận mỏ (mỏ than Kaleum ở huyện Kaleum, tỉnh Sekong, Lào – PV) khi thực hiện thì Tập đoàn cũng đề nghị là thực hiện theo quy chế hiện nay của bên Tập đoàn cũng như là của bên Công ty.
“Than trong phạm trù mua sắm hàng hóa thì nó không thuộc phạm vi đối tượng đấu thầu theo Luật đấu thầu hiện nay đang áp dụng năm 2023 nhưng mà Tập đoàn vẫn tổ chức theo quy chế riêng của mình làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch để phục vụ cho việc sản xuất”. ông Trung nhấn mạnh.
Về việc đăng tải thông tin về đấu thầu trên website của Tập đoàn và Báo Hà Nội mới thì ông Trung cho hay là thực hiện theo quy chế của Tập đoàn trong công tác đấu thầu để đảm bảo mục tiêu làm sao để có đủ than đúng chất lượng để đáp ứng cho việc cung cấp trực tiếp cho nhà máy sản xuất điện và than pha trộn nhập khẩu (than trong nước pha trộn với than nhập khẩu ) để cung ứng cho nhà máy điện.
Như vậy, theo lời ông Trung chia sẻ thì trước khi tổ chức đấu thầu thì đại diện phía Công ty than Miền Bắc đã qua khảo sát tại mỏ do Công ty Xekong Power Plant Company Limited (đơn vị khai thác) để đánh giá thực tế về các điều kiện chất lượng, khối lượng than của mỏ và rồi trên cơ sở đó qua hình thức mời thầu chào hàng cạnh tranh theo quy chế riêng của Tập đoàn kết quả đơn vị trúng thầu là Công ty Xekong Power Plant Company Limited liên tiếp trúng 03 gói thầu cung cấp than với trị giá hơn 47 triệu USD.
Được biết, mỏ than Kaleum ở huyện Kaleum, tỉnh Sekong, Lào có trữ lượng khoảng 800 triệu tấn. Đơn vị đang quản lý khai thác mỏ than này là Tập đoàn Phonesack – Công ty Xekong Power Plant Company Limited là công ty con của Tập đoàn Phonesack).
Mỏ than Kaleum cách cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, Quảng Trị khoảng 120km. Từ đây, than đá được đưa về các cảng biển ở miền Trung như cảng Hòn La, Thuận An, Chân Mây, Tiên Sa… Đây là con đường ngắn nhất để Lào xuất khẩu than đá ra thế giới.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị