Đổi mới truyền thông, thu hút người tham gia BHYT
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” diễn ra ngày 16/4, ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết: 15 năm qua, BHXH thành phố Hà Nội luôn chủ động tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành phố, Sở Y tế, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện đổi mới công tác thông tin, truyền thông và tuyên truyền về BHYT và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến chia sẻ kinh nghiệm đổi mới công tác tuyên truyền về BHYT trên địa bàn Thủ đô. |
Kết quả: Nếu như năm 2009, số người tham gia BHYT là 3.185.880 người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 51,2% dân số; đến 31/12/2023, số người tham gia BHYT là 7.988.832 người, tăng 4.802.952 người, tăng 2,5 lần so với năm 2009, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94% dân số.
Thành phố luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu về thu BHYT, đảm bảo năm sau cao hơn năm trước, với tổng số thu BHYT từ năm 2009 – 2023 trên 111.112 tỷ đồng. Năm 2009, số thu BHYT là 1.191 tỷ đồng, đến năm 2023, số thu BHYT là 13.911 tỷ đồng, tăng 12.720 tỷ đồng, tăng 11,6 lần so với tăng 2009.
Đáng chú ý, tỷ lệ chậm đóng BHYT giảm mạnh qua các năm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô (năm 2023, tổng số tiền chậm đóng BHYT là 308,8 tỷ đồng, chiếm 0,46% số phải thu).
Song song với đó, BHXH Thành phố kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT; năm 2009 đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho 4,7 triệu lượt người, đến năm 2023, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 12,6 triệu lượt người, tăng 7,8 triệu lượt người, gấp 2,7 lần so với năm 2009. Chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng từ 1.300 tỷ đồng năm 2009 đến năm 2023 là 22.600 tỷ đồng, tăng 21.300 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm 2009. Giai đoạn 2009 – 2023, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 108.932.843 lượt, chi phí khám chữa bệnh BHYT là 179.616 tỷ đồng. Bình quân hằng năm, số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng 8,97%, chi phí tăng 28,1%
Cùng đó, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô được nâng cao; việc cung ứng thuốc, vật tư y tế của các bệnh viện đảm bảo khám chữa bệnh của người bệnh BHYT (kể cả thuốc biệt dược đắt tiền, vật tư thay thế trong thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn)…
Theo ông Phan Văn Mến, có được kết quả trên là nhờ những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp triển khai quyết liệt đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện; hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, trong 15 năm qua, BHXH thành phố Hà Nội luôn chủ động tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành phố, Sở Y tế, các sở, ban, ngành liên quan thực hiện đổi mới công tác thông tin, truyền thông và tuyên truyền về BHYT.
Cụ thể, công tác tuyên truyền được ngành BHXH thực hiện chủ động, sáng tạo triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng địa bàn và từng nhóm đối tượng, như: Tổ chức 4.364 hội nghị, lồng ghép nội dung trong các hội nghị, đối thoại phổ biến chính sách pháp luật về BHYT trực tiếp đến người lao động và nhân dân trên địa bàn Thành phố với 376.626 người tham dự; biên soạn, in, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền với trên 7 triệu tờ rơi, tờ gấp những điều cần biết về BHYT; 1.823 bảng thủ tục hành chính về những điều cần biết khi đi khám, chữa bệnh BHYT; hằng năm phát hành trên 30 ngàn ấn phẩm báo, tạp chí BHXH; phối hợp xây dựng hơn 2.700 tin bài, phóng sự về BHYT trên các báo, đài Trung ương và địa phương. Ngành cũng chú trọng nâng cao chất lượng tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh tại các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; giới thiệu, động viên các đơn vị, cá nhân và các mô hình thực hiện tốt BHYT…
Để triển khai hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư, cũng như thực hiện tốt mục tiêu BHYT toàn dân, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết: Thời gian tới, BHXH Hà Nội sẽ đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng địa bàn dân cư; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng internet; vận động người dân tham gia BHYT theo quy định hướng tới BHYT toàn dân.
Bảo Duy
Nguồn: Báo lao động thủ đô