Đổi mới toàn diện quy hoạch, loại bỏ tính nhiệm kỳ nhằm nâng cao chất lượng đô thị tại Việt Nam

Tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng chất lượng đô thị yếu

Tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023, TS.KTS Trương Văn Quảng, PTTK, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) cho biết năm 1998, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2009 là 29,6%, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên trên 40%. Chuyên gia cho rằng quy hoạch xây dựng đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó, kinh tế khu vực đô thị góp khoảng 70% GDP cả nước.

TS.KTS Trương Văn Quảng, PTTK, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thành phố liên tục bị ùn tắc giao thông, ngập úng, triều cường, thiếu trường học, thiếu sân chơi, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan đô thị. 

“Điều này chứng tỏ chất lượng đô thị hóa chưa cao, cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng như không gian, kiến trúc đô thị chậm phát triển, thiếu đồng bộ”, TS.KTS Trương Văn Quảng nhận định.

Theo đó, nhìn nhận về thực trạng quy hoạch đô thị tại Việt Nam hiện nay, chuyên gia nêu quan điểm như sau:

Thứ nhất, chất lượng đồ án quy hoạch đô thị chưa cao nên việc phát triển đô thị theo mô hình dự án Khu đô thị mới đã xuất hiện những điểm yếu như thiếu tính tổng thể, không đồng bộ về kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, có nguy cơ suy thoái chất lượng môi trường, cảnh quan.

Thứ hai, sự phát triển nhà ở, đất ở quá nóng, nhưng không có các công cụ tài chính hữu hiệu đi kèm đã làm cho việc phát triển đô thị bị biến tướng, không phục vụ cho nhu cầu nhà ở mà chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đầu cơ, tích tụ đất của một bộ phận nhỏ người giàu trong xã hội.

Thứ ba, tính pháp lý của quy hoạch thấp, bị điều chỉnh nhiều lần; công tác quản lý chưa hiệu quả, tồn tại nhiều bất cập.

Thứ tư, lý luận về Quy hoạch xây dựng; phương pháp lập quy hoạch đô thị đang chậm đổi mới hơn so với yêu cầu thực tiễn phát triển của Đất nước. Nhiều vấn đề vướng mắc trong công tác Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch đô thị có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn chưa được giải quyết thấu đáo.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng quy hoạch đô thị còn chậm phát triển, thiếu đồng bộ TS.KTS Trương Văn Quảng cho rằng nguyên nhân nằm ở tính xơ cứng của sản phẩm quy hoạch, không đủ linh hoạt để có thể đáp ứng các thay đổi của thực tiễn nên thường xuyên điều chỉnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch đô thị còn rất hạn chế, thiếu tính tổng thể hợp nhất/tích hợp nên khó can thiệp hiệu quả vào các quy hoạch ngành.

Chưa kể, quy hoạch đô thị theo tầng bậc đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực cho công tác phủ kín quy hoạch, không phù hợp với thực tiễn. Xã hội vẫn đang “hợp thức hóa” một số vấn đề, một số việc “đã rồi” tại địa phương theo tư duy “nhiệm kỳ”, lợi ích nhóm, dẫn đến việc đồ án quy hoạch mất tính khoa học, khách quan và các yêu cầu về tư duy sáng tạo. 

Ngoài ra, TS.KTS Trương Văn Quảng cũng nhấn mạnh rằng cách tiếp cận còn nặng từ trên xuống, mang tính áp đặt (Chỉ thị, nghị quyết…), trong khi cần sự hiểu biết kỹ lưỡng hơn về thị trường bất động sản và tính chất đa chiều của tài nguyên đất, nhiều quyết định chủ trương đầu tư chưa đúng, chưa trúng và chất lượng Tư vấn lập quy hoạch chưa cao.

Quy hoạch ngành và quy hoạch đô thị, nông thôn hiện nay chỉ mang tính phù hợp, chưa mang tính tích hợp

Cũng tại sự kiện, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng (VIUP) đánh giá: “Việc lồng ghép quy hoạch ngành và quy hoạch đô thị, nông thôn chỉ mang tính tổng hợp các ngành, điều chỉnh cho phù hợp với nhau chứ chưa mang tính tích hợp”

VIUP cũng cho rằng việc phối hợp với các ngành chủ yếu dừng ở việc cập nhật khớp nối các quy hoạch, kế hoạch ngành đã có vào nội dung quy hoạch đô thị – nông thôn chứ chưa thực sự cùng nhau tham gia để lập một quy hoạch đô thị – nông thôn tích hợp đa ngành, từ đó làm cơ sở để triển khai các kế hoạch chuyên ngành hướng tới một mục tiêu, tầm nhìn chung của đô thị và nông thôn. 

Ngoài ra, quy hoạch đô thị, nông thôn hiện đang lập trên cơ sở cập nhật các quy hoạch ngành đã có, lập phương án quy hoạch, sau đó xin ý kiến các ngành. Quy trình này sẽ không thể khai thác được tối đa kiến thức đa ngành để phát triển đô thị. Quy trình quy hoạch tích hợp cần sự thảo luận đa ngành, thống nhất xác định mục tiêu, tầm nhìn, sau đó xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển ngành hướng tới mục tiêu đã đề ra. 

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Thu Thu)

Khi phân tích mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, nông thôn với các loại quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia sau năm 2017, VIUP cho biết: “Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh”.

Nhìn tổng thể, VIUP nhận định hệ thống quy hoạch quốc gia trước 2017 còn mang tính phân lập, thiếu sự phối hợp hài hòa và sự lồng ghép khách quan giữa các loại quy hoạch, nên không phát huy được tính khá thi, hiệu quả và tác dụng.

Vì vậy, hiện nay các Bộ ngành trung ương đang triển khai: Quy hoạch cấp quốc gia (bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia); Quy hoạch vùng, chính quyền địa phương đang triển khai Quy hoạch tỉnh. Theo tinh thần của Luật Quy hoạch dưới quy hoạch tỉnh không còn các quy hoạch ngành cấp địa phương, chỉ còn Quy hoạch đô thị và nông thôn. 

“Do đó, để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh theo các ngành, cần tích hợp nội dung các ngành cấp địa phương vào quy hoạch đô thị và nông thôn để làm căn cứ triển khai các dự án cụ thể trên thực địa”, VIUP nhấn mạnh.

Theo VIUP, Luật Quy hoạch ra đời đã quy định hủy bỏ quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và hệ thống các quy hoạch ngành cấp vùng và tỉnh, giữ lại và có điều chỉnh hệ thống quy hoạch ngành cấp quốc gia gồm 39 ngành. 

“Đây là cơ hội để Nghiên cứu đổi mới công tác lập quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó việc tích hợp đa ngành sẽ bao gồm Quy hoạch đô thị và nông thôn đảm nhận nhiệm vụ của quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành cấp địa phương và Quy hoạch đô thị và nông thôn phải phù hợp và cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy trình đổi mới, đảm bảo đánh giá được tổng hợp nhu cầu của các ngành, xác định được yếu tố nổi trội và lĩnh vực ưu tiên, tạo được cơ chế tham gia đa ngành để cùng nhau xây dựng mục tiêu, tầm nhìn, ý tưởng chung cũng như cam kết thực hiện của các bên liên quan”, VIUP cho biết thêm.

Tích hợp các giải pháp nhằm đổi mới quy hoạch

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó quan điểm chỉ đạo như sau: “Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị”.

Theo đó, phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023, TS.KTS Trương Văn Quảng, PTTK, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA) cho biết nhằm hướng đến mục tiêu cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đô thị như sau: 

Đầu tiên, cần đổi mới phương pháp lập quy hoạch. Cụ thể, sử dụng các phương pháp gồm: Phương pháp quy hoạch chiến lược, cấu trúc chiến lược; Phương pháp quy hoạch tích hợp, lồng ghép đa ngành; Phương pháp quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng Quy hoạch hành động và Các phương pháp áp dụng công nghệ như số hóa, GIS…

Thứ hai, đổi mới quy trình lập quy hoạch. Trong đó thực hiện quy trình các bước lập quy hoạch linh hoạt theo từng loại đô thị: Thực hiện phương pháp lồng ghép, tích hợp, căn cứ vào vấn đề cần giải quyết của từng đô thị, yêu cầu của mỗi đô thị để xây dựng quy trình các bước lập quy hoạch để giải quyết vấn đề đặt ra.

Với quy hoạch hoạch chung, cần lồng ghép quy hoạch phân khu và quy hoạch chiến lược đa ngành tích hợp. Đối với đô thị loại 1 và đô thị đặc biệt có thể tách thành 2 bước quy hoạch chung và quy hoạch phân khu + Quy hoạch chi tiết; Đối với đô thị loại 2-5 chỉ thực hiện 1 bước quy hoạch chung ở tỷ lệ bản đồ 1/2.000-1/5.000. 

Với quy hoạch phân khu và chi tiết, cần lồng ghép quy hoạch hành động, thiết kế đô thị để đưa ra các chỉ dẫn thiết kế quy hoạch cụ thể cho các khu vực phát triển đô thị, cải tạo đô thị, làm cơ sở xây dựng các kịch bản quy hoạch… 

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Thu Thu)

Thứ ba, đổi mới về nội dung quy hoạch. Cụ thể, về nhiệm vụ quy hoạch…(giai đoạn Bắt mạch, định hướng pháp đồ…), cần tăng thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch trên cơ sở phải điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng của đô thị, thời gian phân tích đánh giá hiện trạng, tiềm năng lợi thế,… để làm cơ sở để xây dựng nhiệm vụ quy hoạch và xây dựng được cơ sở dữ liệu về quy hoạch.

Về nội dung quy hoạch đô thị, cần phải đảm bảo tính chiến lược, có tầm nhìn, đảm bảo tính tích hợp, hợp nhất đa ngành. Sát nhu cầu, năng lực thật sự của đô thị, tránh dàn trải. Xác định được rõ nguồn lực thật sự theo quy luật thị trường, dựa trên lợi ích của của các bên liên quan. Ngoài ra, cần làm rõ các loại đất được sử dụng theo giai đoạn quy hoạch, ngắn hạn, dài hạn và dự trữ cho tầm nhìn phát triển, phải nhấn mạnh nội dung quy hoạch đợt đầu (ngắn hạn) làm cơ sở cho việc lập kế hoạch phát triển cụ thể, có tính đột phá.

Thứ tư, nâng cao tính pháp lý đồ án quy hoạch đô thị. Trong đó, sản phẩm đồ án quy hoạch đô thị/các bản vẽ + thuyết minh, quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (TW hoặc địa phương) phải có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật, buộc các đối tượng tham gia phải tuân thủ, tránh điều chỉnh tuỳ tiện.

Bên cạnh đó, sản phẩm đồ án quy hoạch đô thị phải được công bố công khai, minh bạch, thuận tiện, dễ dàng trong việc tìm hiểu, cung cấp thông tin ở mọi cấp độ trong quá trình quản lý phát triển đô thị. Mọi vi phạm phải được xử lý trên cơ sở qui định của pháp luật.

Thứ năm, loại bỏ tính “nhiệm kỳ” trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lí và phát triển đô thị và nâng cao chất lượng công tác quản lý và phát triển đô thị.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích