Đổi mới sáng tạo mở: Cần nhiều tập đoàn tiên phong “mở” cùng startup
TechTraverse 2023 tập trung tăng cường thảo luận tìm kiếm giải pháp “đổi mới sáng tạo mở” cho các thách thức cho các ngành, lĩnh vực thông qua các hoạt động Tham luận, Tọa đàm, Không gian kết nối và Triển lãm và Phòng thách thức nhằm liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khởi nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức tài chính, cơ quan nhà nước và người dân.
Sự kiện lần này đón các diễn giả cấp cao đến từ các đơn vị và tập đoàn lớn như: Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (NATEC), Ban Quản lý Khu Công nghệ Cao TP.HCM, Tập Đoàn Thiên Long, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Sơn Kim, Amazon Web Services (AWS), Plug & Play, Trung tâm Chuyển đổi Công nghiệp Quốc tế (INCIT), Qualcomm – QVIC, Nokia Việt Nam, Thương Vụ ĐSQ Phần Lan, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Thương Vụ ĐSQ Phần Lan, Bộ Kinh tế và Lao động Phần Lan.
Chương trình được đồng tổ chức bởi Viện Đổi mới sáng tạo mở và Doanh nhân công nghệ (OITI), Zestif và S-World cùng các đối tác chiến lược ABD và UNDP. Chương trình được đồng hành sự đồng hành của Business Finland, Novaland, BIDV…
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã liên tục phát triển, vươn lên từ vị trí 72 vào năm 2019 lên vị trí 54 trên thế giới vào năm 2022. Đặc biệt là hệ sinh thái ở hai đầu tàu đất nước là Hà Nội và TP.HCM đã nhiều năm nằm trong danh sách 200 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động nhất thế giới.
Ông chia sẻ rằng Đổi mới sáng tạo mở là công cụ khai phóng nguồn lực mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Thông qua đó, các nguồn lực từ tập đoàn, tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương, đặt ra các thách thức, thu hút những giải pháp đổi mới sáng tạo từ cộng đồng.
“Việt Nam chúng ta dù có thể không bằng thế giới ở cơ sở hạ tầng công nghệ hay nguồn vốn đầu tư lớn từ chính phủ nhưng lại được thừa nhận ở lợi thế về con người. Điều này đã và đang giúp cho Việt Nam vươn lên thứ bậc khá cao trên bản đồ khởi nghiệp”, ông Quất nói, “Tại đây chúng tôi muốn kêu gọi các công ty, tập đoàn lớn trở thành những người đầu tiên sử dụng, truyền cảm hứng, đưa ra thách thức nhưng cũng là cơ hội cho bạn trẻ khởi nghiệp tài năng này.”
Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh rằng cần phải có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp chấp nhận làm “chuột bạch” thử nghiệm sản phẩm của startup. Không chỉ hỗ trợ về tài chính mà ông hy vọng các doanh nghiệp dành thời gian, tâm huyết, cũng như chia sẻ “một phần miếng bánh” của mình, để cùng phát triển những ý tưởng sáng tạo hướng đến tới tương lai.
Doanh nghiệp lớn đặt ra “thử thách” để đổi mới
Trong khuôn khổ của sự kiện OID – TechTraverse, Viện Đổi mới sáng tạo Mở và Doanh nhân công nghệ (OITI) chính thức công bố nền tảng Open Innovation Challenge (OIC) (openinnovation.vn), sáng kiến được đồng hành với đối tác chiến lược Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Đây là nơi gợi mở các tiếp cận mới từ thị trường tới khách hàng bằng việc kết nối doanh nghiệp/tập đoàn gặp thách thức và cá nhân, startup có sáng kiến, từ đó, thúc đẩy những đột phá mới của các ngành, lĩnh vực trong nước.
Đại diện cho các tập đoàn lớn đưa ra “thách thức” cho các startup tại sự kiện, bà Trần Phương Nga – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long cho biết Thiên Long mỗi năm mang hơn 1 tỷ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, có những sản phẩm có giá trị nhỏ như chiếc bút bi nhưng có nhu cầu về hàm lượng trí tuệ rất lớn.
“Thiên Long đang chuẩn bị thách thức cho các startup là làm sao chúng tôi phát triển được các sản phẩm ‘eco’ bền vững, phục vụ bảo vệ môi trường,” bà Nga nói. “Chúng tôi chấp nhận đầu tư giải những bài toán này với tinh thần phải đi sớm, đi tiên phong.”
Bà Trần Phương Nga – Tổng Giám đốc Tập Đoàn Thiên Long, Việt Nam
Chính thức trở thành Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long từ giữa năm 2021, bà Nga mong muốn đem đến sự đổi mới về tư duy lẫn hoạt động của một doanh nghiệp truyền thống hơn 40 năm như Thiên Long, đặc biệt là theo đuổi khát vọng về phát triển bền vững.
Ông Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Sơn Kim (Quản lý chuỗi G25) cũng nhấn mạnh về việc cùng đổi mới (co-innovation) giữa tập đoàn và startup để mang lại giá trị cùng thắng (win-win). Ông cho biết ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế hơn so với các tập đoàn lớn thế giới, do đó thông qua việc hợp tác với các công ty công nghệ nói chung và các startup nói riêng thì có thể tận dụng được sự sáng tạo của hệ sinh thái, từ đó giảm thời gian phát triển giải pháp ra thị trường.
Chia sẻ một số điển hình thành công của sự kết hợp giữa tập đoàn và startup, bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Phát triển Kinh doanh cấp cao của Qualcomm, cho biết cuộc thi Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam (QVIC) của tập đoàn được triển khai bốn năm qua đã lựa chọn tài trợ và đào tạo cho 29 startup Việt có công nghệ sâu trong các lĩnh vực như công nghệ nông nghiệp, robotics, thành phố thông minh,…. Dưới sự hỗ trợ của tập đoàn, các doanh nghiệp này đã khởi tạo hơn 52 bằng sáng chế, huy động được hơn 30 triệu USD vốn đầu tư, cũng như liên tục được hỗ trợ về kỹ thuật từ chuyên gia và nền tảng công nghệ mạnh mẽ của Qualcomm.
Ông Đặng Trường Thạch – Phó Tổng giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT thì chia sẻ cách thức doanh nghiệp này khuyến khích phát triển sáng kiến và xây dựng văn hoá chuyển đổi số từ “DNA công nghệ” trong hơn 60.000 nhân viên, triển khai hơn 4,000 sáng kiến, giúp tăng 30% năng suất làm việc tại FPT, cũng như tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho các đối tác trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Ngọc Thức, Giám đốc công nghệ – Nokia Việt Nam cũng chia sẻ những đóng góp quan trọng của mình trong việc phát triển thế hệ mạng di động không dây 5G để đóng góp vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo chung của nhiều ngành công nghiệp.
Kinh nghiệm phát triển đổi mới sáng tạo mở trên thế giới
Nói về kinh nghiệm phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo mở trên thế giới, ông Raimund Klein, Nhà Sáng lập và Giám đốc Điều hành Trung tâm Chuyển đổi Công nghiệp Toàn cầu (INCIT), đưa ra hai nền tảng riêng biệt: nền tảng đổi mới sáng tạo dựa trên thách thức (challenge-based innovation platform) và dựa trên giải pháp (solution-based innovation platform).
Với nền tảng dựa trên thách thức, các doanh nghiệp, cụ thể là các nhà sản xuất, là những tổ chức đã định hình và trình bày được những vấn đề mà họ gặp phải, từ đó nền tảng sẽ kết nối họ với những sản phẩm và dịch vụ đổi mới phù hợp dựa trên phân loại các lĩnh vực cụ thể.
Ngược lại, nền tảng dựa trên giải pháp lại tập trung trình bày những công nghệ và sáng kiến được phân loại theo nhóm vấn đề, từ đó các doanh nghiệp, tập đoàn có thể tìm kiếm và khám phá những giải pháp mới phù hợp dựa trên những ưu tiên riêng của mình.
Ông Raimund Klein, Nhà Sáng lập và Giám đốc Điều hành Trung tâm Chuyển đổi Công nghiệp Toàn cầu (INCIT)
Ông Raimund Klein nhấn mạnh: “Các đổi mới sáng tạo đều cần các nguồn lực từ phía bên trong và bên ngoài. Thử thách của Đổi mới Sáng tạo Mở là các tập đoàn chưa hoàn toàn mở, bởi tính cạnh tranh từ thị trường. Điều cần giải quyết chính là tìm được tiếng nói chung giữa các bên”.
Bà Lê Vân Anh, đại diện Thương vụ ĐSQ Phần Lan, Bộ Kinh tế và Lao động Phần Lan, thì gợi ý về sáng kiến dữ liệu mở (open data initiative) của chính phủ tại Phần Lan, một trong những đất nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới và đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình ĐMST và khởi nghiệp đầu tiên. Bà cho biết dữ liệu mở đặc biệt quan trọng cho đổi mới sáng tạo mở vì nó có thể tạo cơ sở cho doanh nhân và nhà nghiên cứu phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên việc tiếp cận những dữ liệu thống kê trên diện rộng về người dân và doanh nghiệp trong đất nước.
Đại diện cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), bà Trần Hương Giang, Đồng trưởng Phòng phụ trách thí nghiệm tăng tốc đổi mới sáng tạo, giới thiệu thêm khái niệm “đổi mới sáng tạo cấp cơ sở” (grassroots innovation). Bà cho rằng cần có nguồn lực tập trung cho những giải pháp đổi mới được phát triển bởi chính những người dân đang phải chịu những vấn đề đó tại nơi họ sinh sống. Những giải pháp này thậm chí có thể hiệu quả hơn nhiều so với cách tiếp cận từ trên xuống của các cấp lãnh đạo và chính quyền thành phố.
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở
Nhìn rộng ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM (SHTP) cho biết Việt Nam cần phát triển những chính sách tập trung vào một số ngành công nghiệp cụ thể chứ không thể làm chung hàng loạt.
SHTP do đó tập trung vào hai ngành công nghệ nền tảng là điện tử và chip bán dẫn. Đặc biệt ban quản lý đã phối hợp cùng các tập đoàn lớn trên thế giới như Synopsys và Cadence để thành lập những trung tâm R&D ngay trong khu công nghệ cao, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực cho những lĩnh vực trọng điểm này.
“Trung tâm của đổi mới sáng tạo phải là con người. Muốn phát triển đổi mới sáng tạo trong bất cứ ngành công nghiệp nào cũng cần phải tập trung vào phát triển năng lực kỹ thuật của nguồn nhân lực” ông Thi nhấn mạnh. “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo đó cần được phát triển bởi sự kết nối và tương tác giữa con người.”
Để giải quyết những thách thức gặp phải trong quá trình startup làm việc với các tập đoàn, ông Wayne Soh, Phó chủ tịch điều hành hoạt động đầu tư tại Châu Á Thái Bình Dương của tổ chức Plug & Play có trụ sở tại Singapore, chia sẻ rằng startup nên lựa chọn tiếp cận những khách hàng doanh nghiệp đã có sự cởi mở nhất định với startup và công nghệ mới, đồng thời xây dựng đội ngũ với các thành viên biết cách làm việc với các tập đoàn.
“Ở những giai đoạn phát triển khác nhau của hệ sinh thái chúng ta cần những thành tố khác nhau dẫn dắt,“ Ông Soh chia sẻ. “Dù vậy, những startup tốt nhất là những startup có thể tồn tại và phát triển dù môi trường hiện tại có đang như thế nào.”
Nguyễn Thanh Thảo – Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại Qualcomm và là đại diện của Qualcomm Vietnam Innovation Challenge (QVIC) chia sẻ tại Phòng thách thức.
Hoạt động Phòng thách thức là nơi các tập đoàn hàng đầu chia sẻ các thách thức và chào đón các giải pháp từ các start-up, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp. Đây là một trong những hoạt động thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo mở và thúc đẩy sự liên kết hợp lực giữa các đơn vị.
Open Innovation Day – TechTraverse 2023 là chuỗi Sự kiện Đổi mới sáng tạo mở, hướng đến mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Những sự kiện này nhằm tăng cường nhận thức, xây dựng các đối tác và giải quyết những vấn đề và cơ hội trong thời đại chuyển đổi số.
PV