Đổi mới sáng tạo mang đến sự tồn tại bền vững cho doanh nghiệp
Đổi mới sáng tạo cũng được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia. Ảnh minh họa.
Yếu tố thành công cần thiết của doanh nghiệp
Hiện nay, sự thay đổi nhanh chóng môi trường sản xuất, kinh doanh và toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của doanh nghiệp. Cùng với đó là sự xuất hiện của các công nghệ mới, đối thủ cạnh tranh mới, các yêu cầu pháp lý mới và những đòi hỏi khắt khe hơn của khách hàng và người tiêu dùng.
Trong môi trường này, khả năng đổi mới sáng tạo là một yếu tố thành công quan trọng và cần thiết cho hầu hết các doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới sáng tạo cũng được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia.
Đổi mới sáng tạo có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, thu hút các nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín của doanh nghiệp…
Do đó, triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo là cách thức mới để một doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, bảo đảm sự tồn tại thịnh vượng lâu dài của doanh nghiệp trong tương lai.
Khám phá những hoạt động mới và mang tính thử nghiệm
Đổi mới sáng tạo mô tả sự phát triển và thay đổi bên trong (tổ chức và hoạt động) của các doanh nghiệp, bên cạnh các hoạt động khác như: hoạt động cải tiến, bán hàng, tiếp thị, truyền thông, hợp tác, tái cấu trúc, thành lập mới, sáp nhập, giải thể các đơn vị thành viên…
Hoạt động đổi mới sáng tạo có thể xảy ra trong tất cả các tổ chức và quá trình của doanh nghiệp như: chiến lược, bán hàng, tiếp thị, nghiên cứu và phát triển, tìm nguồn cung ứng, dịch vụ, hỗ trợ và các hoạt động khác; Giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị (bao gồm: nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển, đơn vị đối tác, khách hàng, người tiêu dùng…); Trong tất cả các giai đoạn của vòng đời sản phẩm (bao gồm: nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối, tiếp thị, hỗ trợ, bảo trì, thu hồi, tái chế…);
Hoạt động đổi mới sáng tạo có mục tiêu phục vụ các mục đích khác nhau trong chiến lược chung của doanh nghiệp. Hoạt động đổi mới sáng tạo là hoạt động khám phá những hoạt động mới, được đặc trưng bởi sự “không chắc chắn”, mang tính thử nghiệm… do đó, khác với các hoạt động, quy trình khác của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới sáng tạo được xác định dựa trên nhu cầu, cơ hội, thách thức hoặc các vấn đề liên quan đến dịch vụ mà các bên liên quan, xu hướng và các thay đổi khác theo yêu cầu của thị trường và khách hàng.
Tùy thuộc vào bối cảnh của doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo có thể tác động vào những thay đổi nhỏ của doanh nghiệp theo thời gian. Ví dụ: tác động ban đầu của đổi mới sáng tạo được thể hiện là những cải tiến liên tục, có thể dự đoán được; sau đó, doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo nhiều hơn, tích hợp với sự thay đổi lớn trong việc tạo giá trị để hình thành nền tảng hoặc thế hệ sản phẩm, dịch vụ mới của doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo ở khắp mọi nơi. Đổi mới sáng tạo là cần thiết để giải quyết những thách thức quan trọng của xã hội, kinh tế, chính trị và môi trường. Đổi mới sáng tạo đã, đang và sẽ tiếp tục, định hình sự phát triển của con người, doanh nghiệp, cuộc sống và xã hội.
Thanh Tùng