Đổi mới sáng tạo – động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống

COVID-19 đã gây ra sự sụt giảm trong tăng trưởng năng suất tại các quốc gia đang phát triển và những quốc gia tiên tiến ở châu Á. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn khi COVID-19 trở thành một đại dịch. Do đó, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu COVID-19 đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu.

Đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng dù đã có rất nhiều sáng chế cũng như đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để thể hiện những nỗ lực trong sáng tạo đổi mới, nhưng tăng trưởng năng suất trong khu vực vẫn ở mức chậm, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh.

Một yếu tố then chốt lý giải cho sự thiếu kết nối trên chính là sự tách rời giữa tăng trưởng năng suất, quá trình đổi mới sáng tạo và số hóa. Quá trình đổi mới nhanh chóng, đặc biệt là sự bùng nổ về quyền sở hữu trí tuệ có thể làm “đóng băng” công nghệ trong một số doanh nghiệp và khiến sự tách rời trên trở nên nghiêm trọng hơn.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã có báo cáo khái quát về nghiên cứu quá trình đổi mới sáng tạo và số hóa có thể đẩy mạnh năng suất như thế nào tại các quốc gia đang phát triển và đã phát triển tại châu Á. Đồng thời, báo cáo cũng đề xuất cơ chế và chính sách cần thiết cho quá trình tăng trưởng nhờ đổi mới sáng tạo.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, báo cáo đưa ra khảo sát về bối cảnh đổi mới sáng tạo trong khu vực, sử dụng dữ liệu điều tra doanh nghiệp đối với các quốc gia đang phát triển và đã phát triển ở châu Á để tìm ra vai trò của đổi mới sáng tạo và số hóa đối với tăng trưởng năng suất và sự khác nhau vấn đề này giữa các doanh nghiệp, cũng như chỉ ra những yếu tố cản trở quá trình đổi mới sáng tạo đồng thời thảo luận những công cụ chính sách có thể áp dụng để thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới sáng tạo và năng suất, cũng như đẩy mạnh năng suất chung.

Phân tích về tác động của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyên gia cho rằng, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của châu Á đang hưởng lợi từ sự lan toả, phổ biến công nghệ… Các nền kinh tế này cũng cấp nhiều BSC (hệ thống quản lý, giúp cho doanh nghiệp thiết lập, thực hiện, giám sát, đo lường để đạt được các chiến lược và mục tiêu) trong thập kỷ vừa qua. Nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển châu Á nhập khẩu hàng hoá công nghệ cao nhiều hơn so với mức bình quân của thế giới.

Báo cáo của IMF cũng thẳng thắn chỉ ra một số nhân tố đang cản trở đổi mới, sáng tạo ở các nền kinh tế đang phát triển châu Á, gồm có: tiếp cận nguồn vốn tài chính và khu vực phi chính thức là những rào cản chính đối với đổi mới sáng tạo; thiếu hiệu ứng lan tỏa từ các doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới sáng tạo; mức độ tham gia quốc tế bấp bênh; sự phân tán năng suất cao giữa các khu vực kìm hãm tăng trưởng…

Trên cơ sở thực tiễn và thống kê từ Báo cáo, một số chuyên gia cho rằng, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo (mở rộng đường biên giới hạn khả năng); ưu đãi thuế, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và chi tiêu công cho nghiên cứu cơ bản; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để thưởng cho những sáng chế đổi mới có tính đột phá.

Song song với đó là tạo thuận lợi cho phổ biến, lan toả công nghệ ở những quốc gia như Việt Nam, hạ thấp hàng rào thương mại, đơn giản hoá các quy định quản lý FDI (cả trong lĩnh vực dịch vụ); tạo thuận lợi cho chia sẻ tri thức giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp địa phương (mạng lưới nhà cung cấp); tăng cường hợp tác R&D giữa đại học và doanh nghiệp; nâng cao trình độ kỹ năng cho lao động; thu hẹp khoảng cách số, cải thiện hạ tầng số và môi trường pháp lý. Hơn thế nữa, cần khuyến khích sự phát triển năng động của khu vực doanh nghiệp, cạnh tranh lành mạnh thông qua đảm bảo sân chơi bình đẳng; tạo khuôn khổ phá sản đơn giản và hiệu quả để hỗ trợ cho tái phân bổ nguồn lực trong xã hội.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích