Đổi mới sáng tạo – ‘đòn bẩy’ giúp tăng trưởng đột phá về năng suất lao động

 Tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo… giúp tăng năng suất lao động bền vững. Ảnh minh họa.

Nỗ lực mạnh mẽ trong cải thiện năng suất lao động

Mỗi quốc gia trên thế giới luôn diễn ra sự tìm kiếm để gia tăng sự thịnh vượng. Các yếu tố như nguồn lao động, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý… mặc dù vô cùng quan trọng nhưng không đủ để tạo ra sự thịnh vượng của một quốc gia, mà cần dựa trên khả năng cạnh tranh, đổi mới, nâng cấp của các ngành công nghiệp. Bởi vậy, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, các quốc gia phải liên tục đổi mới sáng tạo và nâng cấp để tăng năng suất lao động.

Theo báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Trong đó, báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế – xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Các chuyên gia đánh giá, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong cải thiện năng suất lao động cả về giá trị và tốc độ. Minh chứng là trong giai đoạn 2011-2020 trung bình mỗi năm năng suất lao động của Việt Nam tăng khoảng 8,9 triệu đồng/lao động, từ mức 70 triệu đồng/lao động của năm 2011 lên mức 150,1 triệu đồng/lao động vào năm 2020; năng suất lao động năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2011. Năm 2021, năng suất lao động của Việt Nam tăng lên mức 172,8 triệu đồng/lao động và năm 2022 năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động.

Đột phá đến từ đổi mới sáng tạo

 Để doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, dù mức năng suất lao động của nước ta đã được cải thiện thời gian qua nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, để bắt kịp các nước trong khu vực chúng ta cần có những đột phá. TS. Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ rằng, đột phá là yếu tố quan trọng giúp chúng ta “bật” lên từ thực trạng hiện nay để đạt được những cột mốc mới.

“Theo tôi, có một vấn đề thời gian qua chúng ta đã được nghe nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng đó chính là đổi mới sáng tạo. Đây không phải khẩu hiệu mà là hành động, cũng là xu hướng trên thế giới và Việt Nam đang bắt nhịp với xu hướng này. Các báo cáo đánh giá về xếp hạng đều cho thấy chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta đã tăng lên. Nếu không có đổi mới sáng tạo thì không có đột phá”, ông Nguyễn Tùng Lâm nói.

Về phía doanh nghiệp, cần nhận thức tầm quan trọng của hoạt động đổi mới, sáng tạo gắn với nâng cao năng suất, chất lượng đối với sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu về tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai. Trong bối cảnh mới, để doanh nghiệp có thể đổi mới sáng tạo, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ giỏi về kỹ năng nghề mà cần có các kỹ năng mềm và hiểu biết về công cụ năng suất, góp phần tạo ra nhiều ý tưởng, công nghệ và thương mại hóa công nghệ.

Đồng thời, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, cần hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách về đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này…

Tại Quyết định 1305 phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 cũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng đầu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động.

Hoàng Bách

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích