Đôi điều về “Học quên để nhớ” và người giữ tâm hồn thơ Việt

Đôi điều về “Học quên để nhớ” và người giữ tâm hồn thơ Việt

Đại tá, nhà giáo Phạm Văn Việt –  Thứ tư, 06/10/2021 10:14 (GMT+7)

Đọc thơ Lục bát của Đặng Vương Hưng, cảm nhận đầu tiên của tôi là thơ anh rất hiền và man mác buồn.

tm-img-alt
Đại tá, nhà giáo Phạm Văn Việt, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 14 – Mặt trận Lạng Sơn; nguyên Giảng viên Học viện Quốc phòng; đã có một bài viết cảm động và đậm chất “Trái tim người lính” cho cuốn sách “Lục bát mỗi ngày”.

Tôi và Đặng Vương Hưng đều có mặt ngay từ những ngày đầu trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 5 (tức Binh đoàn Chi Lăng – Quân đoàn 14) tại Mặt trận Lạng Sơn, trong cuộc chiến tranh 10 năm bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (1979 – 1989). Xin được nói thêm: Thiếu tướng Hoàng Đan, cố Tư Lệnh Quân đoàn 14 đã có lần nói, đây là một siêu Quân đoàn, vì có tới 5 Sư đoàn bộ binh đủ, chưa kể các đơn binh chủng, bảo đảm khác!

Lúc mới lên mặt trận, Hưng là chiến sỹ của Trung đoàn BB751 – Sư đoàn 347, còn tôi là Trợ lý Tuyên huấn Bộ Tham mưu Quân đoàn. Cuối năm 1982, khi Chuẩn uý Đặng Vương Hưng được điều về công tác tại Phòng Tuyên huấn Quân khu I, rồi mấy năm sau về Hà Nội học… Trước đó tôi đã được điều về làm Phó trung đoàn trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn BB42. Năm 1984, tôi quay về làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn. Chặng sau, tôi còn làm Phó sư đoàn trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy fBB327 cho đến năm 1990 Quân đoàn giải thể, thì trở về Học viện Quốc phòng làm công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu (2008).

Chính vì vậy, mặc dù cùng công tác tại một Quân đoàn mà mãi 40 năm sau kể từ tháng 2/1979, tôi và Đặng Vương Hưng mới gặp được nhau. Đó là vào dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày quân dân cả nước ta đánh thắng chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch trên biên giới phía Bắc, đồng thời cũng là kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Quân đoàn 14, (24/02/1979 – 24/02/2019), cả tôi và Hưng đều được Ban liên lạc cựu chiến binh của Quân đoàn mời tham gia vào quá trình chuẩn bị và xuất bản tác phẩm “Những người đi giữ biên cương”.
Trong 10 năm ở Lạng Sơn, tôi đọc thơ của Đặng Vương Hưng chưa nhiều, có lẽ do quá bận với công việc của đơn vị. Nhưng từ khi về Học viện Quốc phòng, càng ngày tôi càng đọc của anh nhiều hơn, cả thơ văn và báo, đặc biệt là trên báo An ninh thế giới.

Là người lính của quân đoàn 14 (Binh đoàn Chi Lăng), tôi thật sự vui mừng và tự hào vì đơn vị mình đã “khai sinh” cho đất nước một nhà thơ, nhà văn, nhà báo thành danh rất sớm và rất uy tín. Hơn 40 năm qua anh đã là tác giả của hơn 50 đầu sách, với đủ các thể loại, trong đó có 7 tập Thơ. Chùm thơ đầu tiên của anh đoạt giải A (giải A duy nhất) trong Cuộc vận động sáng tác Văn – Thơ – Ca khúc cho Thanh niên, do Trung ương Đoàn TNCS HCM và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức (1981 – 1983) là những bài anh viết theo thể tự do từ mảnh đất biên cương Lạng Sơn còn mịt mù khói súng! Những bài thơ đó đã nhanh chóng đi vào lòng bạn đọc cả nước, đặc biệt là lớp trẻ và lính chiến trên biên giới. Không ít cán bộ, chiến sỹ đã truyền cho nhau đọc và chép vào sổ tay, thậm chí sao lại đưa lên báo tường hoăc mang đi trình bày dưới dạng “tiết mục ngâm thơ” trong những cuộc hội diễn của đơn vị.

Tất nhiên tôi hiểu: “Với nhà thơ, chẳng ai công kênh ai// Đỉnh quá khứ mãi còn sừng sững phía tương lai…” (Vương Trọng), nhưng tôi không hiểu tại sao Thơ tự do của Đặng Vương Hưng đang “hót” như thế, tự nhiên anh lại chuyển hẳn sang chuyên Lục bát. Có lẽ bắt đầu từ bài Lục Bát độc đáo “Học quên để nhớ” chăng?

Nhân đây tôi xin được lạm bàn đôi chút về bài thơ này:

Học quên để nhớ cho nhiều
Học hờn giận để cưng chiều đấy thôi
Học lẻ loi để có đôi
Học ghen là để cho người thêm yêu…
Em thì xa vắng bao nhiêu
Tôi đành học cách nói điều vu vơ
Học sắc sảo để dại khờ
Học già dặn để ngây thơ thuở nào…
Tôi giờ còn lại chiêm bao
Cố trần tục để thanh tao kiếp người
Mải mê học khóc cho cười
Quên hờ hững để cùng người đam mê.

Năm 1974, tôi từ Trường Sơn ra học một khóa 2 năm tại Học viện Chính trị (nay là Học viện Chính trị – quân sự, Bộ Quốc phòng). Đó là thời gian tôi được đọc nhiều sách hơn. Có lần đọc cuốn “Vệ sinh lao động trí óc” của một tác giả nước ngoài, trong đó có đoạn viết, đại ý: mỗi khi ta đọc hay xem một tác phẩm gì đó thì bộ não của ta tiếp nhận thông tin theo “quy luật làm tổ”. Nghĩa là anh cứ đọc đi, đọc thật nghiêm túc, tùy theo mức độ cảm thụ của anh mà nó sẽ mắc vào bộ nhớ trong óc anh nhiều hoặc ít; khi anh cần dùng đến, tự nhiên sẽ được huy động! Chẳng biết mọi người thế nào chứ tôi chiêm nghiệm đời mình thì thấy điều đó quá đúng! Nó đã giúp tôi rất – rất nhiều trong cuộc sống nên tôi nhớ mãi đến bây giờ.

Vậy mà, cách đây khoảng 20 năm, ngẫu nhiên tôi được một anh bạn đưa cho đọc bài thơ “Học quên để nhớ” của Đặng Vương Hưng. Thoạt đầu tôi thấy hơi lạ, không hiểu tại sao “tay nhà thơ này” lại viết vậy. Chẳng ai tự dưng chuốc lấy những “hờn giận”, “lẻ loi”, “vu vơ”, “dại khờ”…, thậm chí cả “khóc” nữa để làm gì mà phải “học”? Nghĩ vậy nên buộc tôi phải đọc lại, không chỉ một lần, đến mức thuộc bài thơ đó rất nhanh!

Càng đọc và ngẫm tôi càng thấy “Học quên để nhớ” có ý thơ rất rộng, rất sâu sắc và có vẻ thâm thúy nữa. Từ đó, rất tự nhiên, hễ gặp bài bình luận nào của ai về bài thơ này là tôi đọc ngay. Hóa ra đây là thủ pháp sử dụng ngôn ngữ của các nhà thơ, nhà văn để thể hiện sự liên tưởng của họ trước những gì họ quan sát được trong đời sống. “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này”. (Phạm Quốc Ca dẫn lời nhà nghiên cứu Phạm Ngọc).

Bài thơ “Học quên để nhớ” của Đặng Vương Hưng có 12 câu mà đã đề cập đến 10 cặp phạm trù triết lý nhân sinh, trong đó 1 cặp nằm ngay ở đầu bài, còn lại ở các câu 2, 3, 4, 7, 8, 10, 11, 12! Tại đầu bài, 2 từ “quên” và “nhớ” là cặp phạm trù nói tổng quát về một trong những chức năng chủ yếu của bộ não người. Các câu còn lại là 9 cặp phạm trù “triển khai” những hoạt động cụ thể của chức năng đó. Các cặp phạm trù luôn tồn tại khách quan ngoài ý muốn của con người và 2 vế của chúng luôn tác động qua lại với nhau trong quá trình xử lý các thông tinh mà bộ não người nhận được.

Cuộc đời ai mà chẳng có lúc hờn giận, lẻ loi, vu vơ, dại khờ, v.v… Nó tự nhiên đến do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau. Anh không muốn nó vẫn cứ “đến”, và qua mỗi lần diễn ra như vậy, sự vận động của các cặp phạm trù nói trên trong não bộ có thể dẫn anh tới sự tiến bộ hay thoái bộ, tốt hay xấu cả về năng lực tư duy và phẩn chất, đạo đức, nhân cách, quan điểm sống… Thành ra anh phải ngẫm mà rút ra cho mình những cái cần học, cần tránh và cách học, cách tránh sao cho đạt kết quả, hiệu quả tốt nhất.

Đó cũng là để đi đến khẳng định cái gì cần nhớ hay phải quên. Chẳng hạn “học hờn giận để cưng chiều đấy thôi” thì “hờn giận” và “cưng chiều”, mỗi vế đặt ra cho ta một câu hỏi: Nên “hờn giận” như thế nào, “cưng chiều” như thế nào cho phải? Lời giải của câu hỏi từ vế này nằm ngay trong lời giải cho câu hỏi của vế kia. Sự “hờn giận” của anh sẽ như thế nào cho đúng lại phải xuất phát từ “cưng chiều” như thế nào cho phải! “Lẻ loi” như thế nào thì mới “có đôi” được chứ. Không dễ đâu!…

Cho nên, Đặng Vương Hưng đặt ra vấn đề phải “Học quên để nhớ” là rất có lý. (Tôi nhấn mạnh chữ “Học”!) Tôi đồ rằng qua đây tác giả muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp rất không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ, là: muốn quên thì phải nhớ đã. Cái cần nhớ thì phải nhớ kỹ, nhớ sâu, nhưng không phải cái kiểu “nhớ lâu thù dai!”. Cái cần quên thì dù cần quên đến mấy cũng chỉ tạm quên được thôi, tạm gác lại thôi. Thế đã là bản lĩnh lắm rồi. Ai đó nói “Tôi quên hẳn lâu rồi” là không thực tế. Muốn biết quên và nhớ thế nào cho có ích thì phải học. Học suốt đời!

tm-img-alt

“Học quên để nhớ” không chỉ là tên một bài thơ mà sau đó đã trở thành tên một tập thơ nổi tiếng của Đặng Vương Hưng với 46 bài Lục Bát kèm Lời bình với hàng trăm ngàn bản in và cả phô tô, tạo thành một hiện tượng xuất bản đầu thập niên 2000 ở nước ta. (Rất mừng cho người yêu thơ, là trong LỤC BÁT MỖI NGÀY, “Học quên để nhớ” và lời bình đã được tái bản đầy đủ và xếp ngay ở phần đầu tiên của sách).

Đọc thơ Lục bát của Đặng Vương Hưng, cảm nhận đầu tiên của tôi là thơ anh rất hiền và man mác buồn. Kể cả những bài mang đậm niềm vui hay thậm chí có vẻ “cố tình tếu táo”cũng không giấu nổi tâm trạng đó. Tại sao vậy? Mặc dù không có khả năng gì lắm về thơ văn, nhưng tôi vẫn thử đi tìm lời đáp cho câu hỏi ấy. Thơ anh hiền thì có lẽ bởi hai lý do: Thứ nhất, vốn dĩ Lục bát là một thể thơ “Hiền”, mang đậm một trong những nét đặc trưng của dân tộc ta. (Nhưng dĩ nhiên đừng ai vội thấy hiền mà đã định bắt nạt!). Đặc điểm này, từ năm 2019 đến nay, được trò chuyện cùng Đặng Vương Hưng, và cả đôi khi trao đổi với nhau về thơ nữa, tôi càng khẳng định. Đặng Vương Hưng hiền đến mức, mới nhìn sẽ không ít người bảo “cha này quê quá!” Hiền đến mức vào chùa thắp hương chỉ có mỗi mục đích “Ta cầu cái chẳng ai ham/ Tha cho mấy kẻ đã làm hại ta”… (Chùa làng). Hiền đến thế là cùng! Trộm vía, có lẽ cả đời, Đặng Vương Hưng chẳng to tiếng với ai bao giờ! Thơ anh hiền như chính con người anh vậy.

Đặng Vương Hưng hiền nhưng rất bản lĩnh. Bản lĩnh đến mức không chỉ “tạm nghỉ” thơ tự do, chuyển hẳn sang làm thơ “Lục bát mỗi ngày” mà còn lẳng lặng xông vào những việc thoạt nhìn nhiều người sẽ cho là không tưởng. Dù đã biết rằng “Đời tôi là một dòng sông/ Nước đang chảy xiết mà không có cầu/ Đợi tôi là cánh rừng sâu / Đèo cao vực thẳm mà đâu có đường” (Bến sông mơ) nhưng anh vẫn cứ đi và đã đạt những thành tựu rất ngoạn mục. LỤC BÁT MỖI NGÀY tuyển tập đồ sộ ngàn trang là kết quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ đó.

Nhưng Đặng Vương Hưng không chỉ có LỤC BÁT MỖI NGÀY, những năm gần đây anh đã cống hiến rất nhiều những công trình tác phẩm xứng đáng để đời cho cộng đồng và xã hội. Tôi xin phép được nêu thêm một số ví dụ:

– Trong số hơn 50 tác phẩm văn xuôi, Đặng Vương Hưng đã có hơn 20 tác phẩm thuộc thể loại thư và nhật ký thời chiến của tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” với những tư liệu vô giá về lịch sử và truyền thống dân tộc.

– Anh là người đầu tiên nêu ý tưởng về Những ngôi nhà sống chung với bão cho đồng bào nghèo ven biển miền Trung’ (đã công bố trên báo Nhân Dân và Website Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2006).

– Nhà văn Đặng Vương Hưng cũng là người đầu tiên nêu ý tưởng về Đề án xây dựng các ‘Hoa viên Văn nghệ sĩ Việt Nam – Nghĩa trang dành cho các văn nghệ sĩ và trí thức tài danh Việt Nam. (Đã đăng ký Quyền tác giả năm 2008).

– Là người khởi xướng, đề xuất cuộc thi viết Chúc thư “Gửi lại mai sau” do Báo Người cao tuổi – Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức (2012 – 2013); trực tiếp tham gia Ban Tổ chức và Giám khảo.

Được biết, từ lâu nay, Đăng Vương Hưng đang vận động để thơ Lục bát được công nhận là QUỐC THI và tiến tới là Di sản Phi vật thể của nhân loại. Tôi tin mọi người dân Việt Nam đều có chung niềm mong ước đó./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích