Độc tố tetrodotoxin trong so biển có thể gây tử vong
Cùng với cá nóc, sứa bắp cày, sứa lửa, bạch tuộc đốm xanh, ốc cối, rắn biển (đẻn biển)…, so biển được xếp vào danh sách những loài sinh vật nguy hiểm trong môi trường biển Việt Nam.
Tại Việt Nam chưa ca nào bị ngộ độc, tử vong do ăn sam biển. Tuy nhiên đã ghi nhận nhiều trường người bị hợp ngộ độc và tử vong do ăn so biển. Nguyên nhân là do người dân nhầm so biển với sam, không biết so biển có chứa độc tố cực mạnh nên đã dùng so biển chế biến thức ăn.
Theo y học, chất cực độc tetrodotoxin (độc tố này có trong cá nóc) ở so biển hầu như có ở các bộ phận và tập trung nhiều nhất ở buồng trứng của con cái. Độc tố tetrodotoxin không bị nhiệt phá hủy khi nấu, nướng chín, sấy hay phơi khô theo cách thông thường.
Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân H.V.C (61 tuổi, TP.Hạ Long) ngộ độc nguy kịch do ăn con so. Khai thác thông tin, người bệnh cho hay, dù biết con so có độc tính nhưng vẫn chú ý ăn do từng ăn so nhiều lần trước đây mà chưa bị ngộ độc. Sau khi ăn con so trong bữa tối, xuất hiện tình trạng cứng hàm, tê môi, tê lưỡi, bồn chồn, khó thở khó nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) điều trị.
Bộ phận mai của con sam (trong ảnh) hình tròn, có màu nâu đồng, khác với con so, mai có màu nâu pha chút xanh lơ.
Bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh – Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, độc tố Tetrodotoxin có độc tính rất mạnh, bền vững với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Độc tố gây ảnh hưởng chủ yếu trên thần kinh (đặc biệt là liệt), ngoài ra còn ảnh hưởng đến tim mạch và tiêu hóa.
“Chỉ với liều độc rất thấp có thể gây rối loạn cảm giác như tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động, cơ hô hấp, giãn đồng tử, nôn, đau bụng, tiêu chảy, có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp… khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời”, Bác sĩ Nguyễn Sỹ Mạnh thông tin.
Điều đáng lo lắng, trong khi sam biển là loài hải sản không độc, có giá trị dinh dưỡng, thương phẩm thì so biển có họ hàng và ngoại hình, màu sắc rất giống con sam lại chứa độc tố tetrodotoxin cực mạnh, có thể gây tử vong khi con người ăn phải.
Sam biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Theo các nguồn tài liệu khoa học, trên thế giới họ sam (Xiphosuridae) có 4 loài, riêng ở Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển (Tachypleus tridentatus) và so biển (Carcinoscorpius rotundicauda). Sam phân bố ở các vùng ven biển, môi trường sinh sống gắn liền với các dải cát tại khu vực có thủy triều cao.
Sam có thân mình tròn dẹt, đường kính khoảng 20cm, mai cứng như vỏ cua, bụng có 10 chân nhỏ, đuôi dài. Sam cái trưởng thành có trọng lượng từ 1,5 đến hơn 3kg, sam đực nhỏ hơn với trọng lượng khoảng 1-2kg. So biển cũng là loài giáp xác, thân mềm, sinh sống ở vùng ven biển, cửa sông, lạch nước ngọt. Kích thước và cân nặng con so nhỏ hơn con sam. Màu sắc và hình dáng so biển khá tương đồng với sam biển. Sam và so đều bơi chậm, có thể bò trên cạn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, choáng váng, toàn thân biểu hiện mệt mỏi,… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Thanh Hiền (t/h)