Độc đáo mô hình đổi rác thải nhựa tại Indonesia

Độc đáo mô hình đổi rác thải nhựa tại Indonesia

Để không lãng phí tài nguyên rác thải nhựa, thời gian qua, Indonesia đã triển khai chương trình đổi rác thải nhựa quà như: vé xe buýt, sách vở, gạo…

Nhiều chương trình được đưa ra

Để bảo vệ môi trường cũng như giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày trong tuần, Raden Roro Hendarti lại chở những cuốn sách cho trẻ em ở làng Muntang, ở Java, Indonesia để đổi lấy cốc nhựa, túi và các loại rác thải khác để mang về.

Raden cho biết cô muốn thông qua hành động này sẽ khắc sâu việc đọc sách ở trẻ em cũng như giúp chúng có ý thức về môi trường. Ngay khi cô xuất hiện, các em nhỏ, nhiều em trong số đó đi cùng với bố mẹ, vây quanh “thư viện đổi rác” của cô và háo hức tìm mượn sách.

Độc đáo mô hình đổi rác thải nhựa tại Indonesia - Ảnh 1
Các em nhỏ tại làng Muntang chăm chú đọc những cuốn sách được đổi từ rác thải. (Ảnh: Reuters)

Mỗi tuần, Raden thu thập được khoảng 100kg rác thải. Sau đó cô cùng các đồng nghiệp phân loại, gửi đi tái chế hoặc bán. Cô có kho sách cho mượn gồm 6.000 cuốn và muốn đưa dịch vụ di động này ra các khu vực lân cận.

Trước đó, sáng kiến đổi rác thải nhựa lấy gạo cũng đã được Indonesia bắt đầu áp dụng ở Tabanan (Bali), đến nay mô hình đã được nhân rộng và triển khai tại 200 ngôi làng trên khắp Bali.

Tại Tabanan, ông Janur Yasa, người sáng lập Plastic Exchange đã kêu gọi người dân thu gom rác thải nhựa vào năm ngoái và họ đã thu được 500kg ống hút, túi nhựa, chai nhựa đã qua sử dụng và nhiều phế phẩm khác sau 5 ngày. Với số lượng này, ông đổi lấy bằng 500kg gạo cho người dân.

Độc đáo mô hình đổi rác thải nhựa tại Indonesia - Ảnh 2
Người dân đổi rác thải nhựa lấy gạo.

Nhờ sáng kiến trên, ông Yasa được đề cử là “Anh hùng của năm” do Kênh CNN (Mỹ) bình chọn. Kết quả sẽ được công bố vào cuối tháng 12 này. Đề cử đã giúp sáng kiến Plastic Exchange thu hút thêm nhiều nhà tài trợ mới và hiện khoảng 2/3 số nhà tài trợ của chương trình đến từ châu Âu, Canada và Australia.

Trước đó, chính quyền thành phố Surabaya, phía đông Đảo Java, miền Bắc Indonesia cũng đã triển khai chương trình đổi rác thải nhựa lấy vé xe buýt. Đây là một giải pháp thông minh vừa giảm lượng rác thải vừa giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại đây.

Theo chương trình này, 3 chai nhựa cỡ lớn, 5 chai nhựa cỡ trung bình hoặc 10 chiếc cốc nhựa sẽ đổi được một vé xe buýt với hành trình kéo dài 1 giờ và không hạn chế điểm dừng. Kể từ khi triển khai, đã có tới gần 16.000 người tới đổi rác nhựa lấy vé xe buýt mỗi tuần.

Indonesia sẽ cấm sản phẩm nhựa dùng một lần vào cuối năm 2029

Mới đây, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp của Indonesia Siti Nurbaya Bakar cho biết, nước này sẽ áp dụng lệnh cấm đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần vào cuối năm 2029, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất giảm 30% việc sử dụng bao bì nhựa.

Bà Siti Nurbaya cho biết, lệnh cấm sẽ áp dụng cho các loại sản phẩm như túi nilông dùng 1 lần, ống hút nhựa, dao nĩa bằng nhựa và hộp xốp đựng thực phẩm.

Hãng thông tấn Indonesia Antara dẫn lời Bộ trưởng Siti Nurbaya Bakar cho hay: “Đây là một cách để xử lý chất thải bao bì khó thu gom, không có giá trị kinh tế, khó tái chế và có khả năng gây ô nhiễm môi trường”.

Một số nghiên cứu và báo cáo khác nhau chỉ ra rằng, Indonesia là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu báo cáo vào năm 2022 của Bộ Môi trường Indonesia, đất nước 270 triệu dân này đã thải ra 12,6 triệu tấn rác nhựa.

Thêm một nghiên cứu khác từ nhóm môi trường Liên minh Zero Waste Indonesia cho thấy, chỉ 9% rác thải nhựa ở Indonesia được tái chế, phần còn lại kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp hoặc gây ô nhiễm sông và đại dương.

Trước tình trạng này, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar nhấn mạnh, các tỉnh thành sẽ được hướng dẫn xây dựng lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm tạo bước đệm để triển khai lệnh cấm vào năm 2029.

Tháng 7/2019, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Bali đã trở thành tỉnh đầu tiên của Indonesia áp dụng lệnh cấm sử dụng túi nhựa, ống hút và hộp xốp dùng một lần. Tiếp đến tháng 7/2020, thủ đô Jakarta cũng ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon dùng một lần nhưng vẫn cho phép sử dụng ống hút nhựa, dao nĩa nhựa và hộp xốp.

Bên cạnh đó, bà Siti Nurbaya Bakar cho rằng khu vực tư nhân cũng nên đóng góp vào tiến trình giảm thiểu rác thải nhựa. Bà yêu cầu đến năm 2029, tất cả nhà sản xuất giảm 30% chất thải bao bì nhằm kết thúc vòng đời gây ô nhiễm của các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Indonesia không phải là quốc gia duy nhất hy vọng chấm dứt sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Vào năm 2018, Malaysia đã đặt ra một lộ trình đầy tham vọng hướng đến mục tiêu loại bỏ nhựa dùng một lần vào năm 2030.

Để thúc đẩy mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi Khí hậu Malaysia Berhormat Nik Nazmi bin Nik Ahmad cho biết quốc gia này đặt mục tiêu cấm sử dụng túi nhựa cho mục đích bán lẻ trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh trên toàn quốc kể từ năm 2025.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích