Độc đáo làng gốm 500 tuổi ở phố cổ Hội An
Với lịch sử hình thành hơn 500 năm tuổi, làng gốm Thanh Hà là một trong những địa điểm mà du khách không thể bỏ lỡ khi ghé thăm đô thị cổ Hội An.
Làng gốm Thanh Hà tọa lạc bên dòng sông Thu Bồn, cách trung tâm phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) khoảng 3km về phía Tây. Ngôi làng vừa có tên trên bản đồ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nghề làm gốm cổ. Làng gốm Thanh Hà luôn là điểm đến ưa thích của du khách khi ghé thăm Hội An.
Làng gốm Thanh Hà được thành lập vào khoảng cuối thế kỷ XVI, khởi phát từ dòng người di cư từ miền Bắc vào Hội An và mang theo nghề làm gốm. Đây là một trong những làng nghề cổ nằm trong vệt các làng nghề nổi danh một thời dọc hạ nguồn sông Thu Bồn.
Suốt mấy trăm năm qua, nghề gốm Thanh Hà có lúc thịnh lúc suy, nhưng tình yêu và sức sáng tạo của nghệ nhân làng gốm chưa bao giờ tắt. Đến nay làng gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất. Các nghệ nhân tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đạp chân, không có khuôn, không tráng men và nung bằng lò củi truyền thống.
Đất sét lấy từ sông Thu Bồn cùng đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã cho ra những sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao. Mỗi sản phẩm làm ra đều chứa đựng những tâm tư, tình cảm của các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà.
Làng nghề hiện nay có 32 hộ sản xuất với khoảng 80 lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và một thợ giỏi.
Bà Nguyễn Thị Thủy (57 tuổi, một trong những nghệ nhân làng Thanh Hà) cho biết đã có thời gian nghề làm gốm tại làng gần như bị thất truyền, bởi đặc trưng công việc vất vả và thu nhập thấp khiến không ít người tìm làm công việc khác có thu nhập ổn định hơn.
“Nhiều người trẻ bỏ nghề nhưng tôi và một số gia đình khác trong làng vẫn cố gắng bám trụ để gìn giữ cái nghề truyền thống mà cha ông đã để lại”, bà Thủy chia sẻ.
Vào những tháng có thời tiết nắng nóng, mưa ít, làng gốm Thanh Hà lại tất bật sản xuất bởi đây là thời điểm thích hợp để tạo ra những sản phẩm bằng gốm đạt chất lượng cao.
Sản phẩm có hai dòng là gốm sành nâu (đồ xanh), được nung với độ lửa cao từ 800 độ C đến hơn 1.000 độ C và dòng gốm đỏ (đồ đỏ), được nung với nhiệt độ thấp từ 300 độ C trở xuống.
Những chiếc bình gốm thành phẩm sẽ được bán ra với mức giá tùy vào độ cầu kỳ, kích thước của sản phẩm.
Làng gốm Thanh Hà là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Bé Phan Lê Thùy Lâm (11 tuổi) cho biết: “Đây là lần đầu tiên con được trải nghiệm vẽ màu trên gốm như thế này, tuy khó hơn so với vẽ trên giấy nhưng rất thú vị, đòi hỏi sự tập trung cao”.
Sản phẩm của làng gốm Thanh Hà với các sản phẩm nhỏ gọn, tinh xảo chủ yếu phục vụ dân dụng và bán cho khách du lịch.
Những linh vật làm từ gốm được dùng để làm quà tặng cho du khách đến tham quan, trải nghiệm tại làng gốm Thanh Hà.
Mỗi năm làng gốm Thanh Hà đón hơn nửa triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, ngày Giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà (mùng 10/7 âm lịch hàng năm) đã trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc.
Trong dịp lễ giỗ tổ nghề gốm vừa qua, làng Thanh Hà đã đón bằng công nhận nghề gốm của làng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nguồn: Báo xây dựng