Doanh thu ngành Thông tin và Truyền thông tăng trưởng 9% trong năm 2021
Năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và ngành TT&TT nói riêng nhưng với tinh thần chủ động, nỗ lực sáng tạo, trong năm 2021, toàn ngành đã cố gắng, phấn đấu đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Ảnh minh họa (Ảnh: Minh Sơn) |
Cụ thể, doanh thu lĩnh vực bưu chính năm 2021 đạt 37.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại địa phương.
Các doanh nghiệp bưu chính đã thành lập nhiều trung tâm khai thác lớn ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối các dịch vụ, triển khai và thúc đẩy thương mại điện tử, logistic, tạo đà cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Tính đến tháng 11/2021, đã có gần 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử với 70.000 giao dịch.
Doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2021 ước đạt 130.768 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020; tỉ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020. Trong năm 2021, chỉ số phát triển viễn thông của Việt Nam (IDI) ước tính xếp hạng 74/176 nước, tăng ba hạng so với năm 2020. Cả ba nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone đều đã được cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Đối với lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ TT&TT đã triển khai phát triển ứng dụng PC-Covid phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trên phạm vi cả nước. Hiện đã có 32 triệu người sử dụng PC-Covid với hơn 132 triệu mũi tiêm vắc xin đã được cập nhật; tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 96%, tăng vọt so với 2019 và 2020.
Trong năm 2021, chuyển đổi số quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tỉ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước đạt trên 95%. Tỉ lệ sẵn sàng họp trực tuyến đến cấp xã tăng từ 40% lên 100%. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 tăng từ 31% lên 96%. Ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP tăng từ 8,2% lên 9,6%.
Năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 7 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng.
Doanh thu năm 2021 trong lĩnh vực công nghiệp ICT ước đạt khoảng 136 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2020, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp ICT Việt Nam không có vốn FDI đạt 18,78 tỷ USD (chiếm 13,8%). Tỉ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT chiếm khoảng 24,65%, tương đương 33,57 tỷ USD.
Trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2019 và năm 2020. Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu.
Song song với đó, trong năm 2021, Bộ TT&TT đã tích cực chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí nhằm tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình. Theo đó truyền thông, báo chí đã phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tuyên truyền cách làm đúng, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm tử tế; đúc kết, khái quát những bài học kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Đồng thời, báo chí cũng thực hiện tốt việc chuyển tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.
Nguồn: Báo lao động thủ đô