Doanh thu kinh doanh khách sạn vượt mức năm cao điểm 2019
(Xây dựng) – Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc nghiên cứu của Savills Việt Nam, mặc dù số lượng khách quốc tế và khách nội địa năm 2024 không đạt như kỳ vọng, nhưng công suất phòng và mức giá phòng khách sạn tại Việt Nam lại có doanh thu vượt mức năm cao điểm 2019.
Ngành Khách sạn đang tiếp tục đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2024. |
Ngành Khách sạn tiếp tục đà tăng trưởng
Theo Báo cáo thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024 vừa được Savills công bố, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, ngành Khách sạn tiếp tục đà tăng trưởng. Các chỉ số du lịch cải thiện, hướng đến việc đạt được mục tiêu của năm.
Cụ thể, nguồn cung thị trường khách sạn 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11.120 phòng từ 67 dự án, ổn định theo quý. Tuy nhiên, nguồn cung khách sạn 5 sao tăng 3% theo quý và nguồn cung khách sạn 4 sao giảm 7% theo quý, do dự án Movenpick Living West, thay đổi thương hiệu từ Eastin Hotel & Residences, được chuyển từ 4 sao lên 5 sao.
Trong quý II/2024, công suất thuê đạt 67%, tăng 2 điểm % theo quý và 3 điểm % theo năm. Giá thuê trung bình giảm 7% theo quý nhưng tăng 11% theo năm. Giá thuê trung bình các dự án 4 sao và 5 sao góp phần vào xu hướng này với mức giảm 6 điểm % theo quý và tăng 9 điểm % theo năm. 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 8,8 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 58% theo năm và 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đón 14 triệu lượt khách, tăng 13,7% theo năm. Du khách quốc tế chiếm 3,1 triệu, tăng 52,6% theo năm và du khách nội địa đạt 10,9 triệu, tăng 6% theo năm. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 55,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23% theo năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đạt 52% mục tiêu số lượng khách và 51% mục tiêu doanh thu du lịch cho năm 2024.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, cụ thể trong quý II/2024, Sở Du lịch Hà Nội đã ra mắt “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” và điểm đến du lịch cộng đồng tại Ba Vì, cũng như cùng với các địa phương khác phát triển các tuyến du lịch liên kết, như tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội – Hà Nam – Ninh Bình và tuyến khám phá Sơn La – Lào Cai – Lai Châu.
Dự báo triển vọng nguồn cung của Savills, trong năm 2025-2026, dự kiến có nguồn cung mới 2.689 phòng từ 12 dự án, 60% nguồn cung mới nằm ở khu vực nội thành, với 1.732 phòng từ tám dự án.
Khối bán lẻ tăng giá, văn phòng khan hiếm ở khu vực Hoàn Kiếm
Về thị trường bán lẻ, bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Nhu cầu về phòng khám và siêu thị cao nhưng không ổn định. Thương hiệu mới gia nhập vẫn gặp thách thức trong việc giành được diện tích thuê tại trung tâm mua sắm”.
Cụ thể, tổng nguồn cung thị trường bán lẻ giảm 1% theo quý nhưng tăng 4% theo năm. Trong 5 năm qua, nguồn cung đạt mức tăng trưởng trung bình 3%/năm. Trung tâm mua sắm chiếm ưu thế với 63% tỷ trọng nguồn cung, tương đương 1,1 triệu m2, trong khi khối đế bán lẻ chiếm 17% và cửa hàng bách hóa chiếm 3%. Diện tích cho thuê thêm giảm 49.800m2, trong đó trung tâm mua sắm có mức giảm đáng kể 54.000m2. Khối đế bán lẻ có diện tích cho thuê thêm được lớn nhất với 13.900m2. Trong khi công suất khối bán lẻ giảm, giá của thị trường này tiếp tục tăng, cụ thể giá thuê gộp tầng trệt tăng 2% theo quý và 13% theo năm.
Về thị trường văn phòng, bà Hoàng Nguyệt Minh, bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho hay, sự khan hiếm văn phòng ở khu vực Hoàn Kiếm đẩy giá thuê tăng cao. Trong khi đó, khu vực cận trung tâm và phía Tây vẫn là các khu vực có giá thuê cạnh tranh hỗ trợ xu hướng dịch chuyển khỏi trung tâm.
Sự khan hiếm văn phòng ở khu vực Hoàn Kiếm đã đẩy giá thuê tăng lên cao. |
Cụ thể, nguồn cung văn phòng đạt 2,13 triệu m2 sàn trong quý II/2024, ổn định theo quý và theo năm. Hạng B có nguồn cung lớn nhất, chiếm 48% thị phần, tương đương 1,03 triệu m2 sàn. Khu vực phía Tây có nguồn cung lớn nhất với 41% thị phần tương đương 871.836m2 sàn từ 77 dự án. Khu vực nội thành có nguồn cung lớn thứ hai với 39% thị phần hay 836.157m2 sàn từ 73 dự án. Thị trường này cũng ghi nhận công suất cải thiện trên tất cả các hạng.
Trong tương lai, tiềm năng của thị trường văn phòng sẽ đến từ việc trụ sở của 36 bộ và cơ quan tại Hà Nội sẽ di dời về khu vực phía Tây Hồ Tây ở Tây Hồ và Bắc Từ Liêm và khu vực Mễ Trì ở Nam Từ Liêm từ năm 2023 đến năm 2035. Việc di dời quy mô lớn dự kiến sẽ chuyển dịch lực lượng lao động và giao thông đến khu vực này để tiện lợi tiếp cận các cơ sở dịch vụ công. Bên cạnh đó, việc đưa vào vận hành tuyến Metro 3.1 từ quý III/2024 cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nguồn cung và hiệu suất dọc theo tuyến metro và về phía Tây.
Nguồn: Báo xây dựng